A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp chủ động bắt nhịp chuyển đổi số

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu của thời đại. Dù còn không ít những hạn chế, khó khăn, các doanh nghiệp của tỉnh đang chủ động bắt nhịp xu thế này nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Công ty CP Wecare Group (KCN Phú Tài, TP Quy Nhơn) có lẽ là một trong những DN tiên phong của tỉnh triển khai thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Thành lập vào năm 2020, DN này chuyên cung cấp giải pháp cung ứng toàn diện về vật tư, nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ trợ cho các nhà máy chế biến lâm sản, xây dựng, wicker… với hơn 1.000 nhóm sản phẩm/2.000 khách hàng ở 5 tỉnh, thành, gồm: Bình Định (chiếm 70% thị phần), Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai và TP Hồ Chí Minh.

Hầu hết các khâu giao dịch, mua bán và kinh doanh của công ty đều thực hiện trực tuyến trên phần mềm siêu thị công nghiệp (https://wecare.com.vn). Với giải pháp về chuỗi cung ứng đa dạng, minh bạch, khách hàng dễ dàng chọn lựa mặt hàng, nhận báo giá, thanh toán, theo dõi thời gian giao, nhận hàng và không phải dự trữ hàng tại các kho riêng tốn kém chi phí. Phần mềm này cũng giúp lãnh đạo, đội ngũ quản lý công ty dễ theo dõi, nắm bắt tiến độ làm việc của nhân viên, ý kiến phản hồi từ khách hàng để có kế hoạch, giải pháp chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm thiểu các chi phí vận hành…

Theo ông Trần Văn Khôi, Giám đốc Wecare Group, công ty giúp các nhà máy có được chuỗi cung ứng hiệu quả, đơn giản, có thể yên tâm tập trung vào việc sản xuất. Ngay từ lúc thành lập, công ty chú trọng khâu đào tạo, xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin để tạo dựng phần mềm siêu thị công nghiệp này. Hiện nay, hàng ngày, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin của công ty trực tiếp nhập liệu (kinh doanh, mua hàng, kho vận, kế toán…) điều hành, quản trị chuỗi cung ứng… tất cả hướng tới mục tiêu kéo chi phí đầu vào của khách hàng xuống đến mức thấp nhất có thể, đồng thời hỗ trợ tối ưu hóa toàn trình từ lúc nắm bắt nhu cầu đến lúc đưa sản phẩm đến tận kho DN.

“Ứng dụng công nghệ thông tin đem lại lợi thế cạnh tranh cho DN, giúp đơn vị giải được các bài toán lớn trong quản trị, giúp DN tiếp cận khách hàng không chịu sự giới hạn về địa lý, nâng cao tính tương tác với các khách hàng ở xa và khả năng mở rộng thị trường lớn hơn”, ông Khôi nói.

Ông Trần Văn Khôi, Giám đốc Công ty CP Wecare Group, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện CĐS ở đơn vị. Ảnh: TRỌNG LỢI

HTXNN Ngọc An ở phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn cũng là đơn vị sớm thực hiện CĐS trong sản xuất, kinh doanh, như: Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn HACCP, bảo mật thông tin, sử dụng mã QR, mã vạch để quản lý sản phẩm, cho phép người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Nhờ đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh ngày càng ổn định,  hiệu quả.

CĐS đem lại lợi ích lớn cho DN và cộng đồng, nhưng để ứng dụng diễn ra mạnh mẽ không hề dễ dàng, vì đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn. Đây là rào cản cho các DN nhỏ và vừa. Nhận thấy điều này, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ DN. Ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, cho hay: Hơn 2 năm qua, Sở KH&CN đã tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho 19 tổ chức và DN với số tiền hơn 300 triệu đồng, tạo điều kiện cho DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ngày 18.3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt việc kết nạp Trung tâm Công nghệ TT&TT tỉnh là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, xác nhận: DN công nghệ thông tin khi tham gia vào Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định sẽ được áp dụng mức thuế suất theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra tỉnh cũng dành cho các DN đầu tư vào đây nhiều chế độ hỗ trợ khác.


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật