|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khuyến khích sinh con: Cần chính sách đủ mạnh

Bình Ðịnh đạt mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) từ năm 2008, và hiện đang nằm trong xu hướng chung khi mức sinh giảm dưới mức thay thế, từ 2,22 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,02 con/phụ nữ (năm 2022), 1,97 con/phụ nữ (năm 2023), 2,01 con/phụ nữ (năm 2024). Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm những năm tiếp theo nếu không có những giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn.

Nhiều yếu tố tác động mức sinh giảm

Theo bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số (Sở Y tế), công tác dân số tại Bình Định đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề dân số thực tiễn phát sinh tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội, sự phát triển bền vững. Cụ thể là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế khi xu hướng mức sinh xuống thấp bắt đầu xuất hiện tại Bình Định.

“Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nam, nữ thanh niên kết hôn muộn, không muốn sinh con, sinh ít, sinh thưa ngày càng nhiều”, bà Trần Thị Lệ Kiều nói.

Mức sinh tại Bình Định được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Trong ảnh: Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại cơ sở y tế.  Ảnh: M.H

Có nhiều ý kiến về việc nam, nữ thanh niên kết hôn muộn. Anh Lương Hoàng (32 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) cho hay: “Vì công việc hai vợ chồng từ huyện An Lão vào Quy Nhơn định cư. Lương vợ chồng tôi hơn 20 triệu đồng/tháng, phải tính toán, xoay xở cho các khoản như trả góp tiền mua nhà ở xã hội, chi phí ăn uống, sinh hoạt và nuôi con gái 5 tuổi. Vậy nên trước mắt chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện sinh thêm con”.

Theo khảo sát, các yếu tố tác động đến giảm sinh là áp lực công việc và sự nghiệp; sợ rủi ro tài chính; xu hướng sống độc lập; sự thay đổi nhận thức xã hội về việc kết hôn muộn. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái ngày càng cao; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp. Hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; thiếu chính sách đủ mạnh để khuyến khích người dân ở vùng mức sinh thấp sinh đủ 2 con.

Cần chính sách đủ mạnh

UBND tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng của tỉnh đến năm 2030 nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bảo đảm tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý, góp phần vào sự phát triển dân số bền vững.

Quyết định nêu rõ, những vùng đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con. Đồng thời, rà soát, bãi bỏ các quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên.

Bà Trần Thị Lệ Kiều cho hay, cùng với đó cần tăng cường truyền thông, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp; truyền thông, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn. Hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP…

Chị Lê Thị Thái Anh (25 tuổi, làm việc trong DN tại Khu kinh tế Nhơn Hội) nói rằng, cùng với các chính sách trên, cần có thêm chính sách hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con; hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mà chưa có nhà ở được ưu tiên vay vốn của ngân hành chính sách, ưu tiên mua nhà ở xã hội…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Bộ Y tế xây dựng và trình cấp có thẩm quyền dự thảo từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. Phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ có liên quan; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản.

Bộ Y tế cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn để các địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Các nội dung nêu trên được đưa vào dự án Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10.2025.

“Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thì các điều kiện cần là bảo đảm nguồn lực cho chương trình; sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế… nhằm vận động, khuyến khích người dân sinh đủ hai con”, bà Nhung chia sẻ.


Tác giả: MAI HOÀNG
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật