A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiểm soát chặt sản phẩm sữa, dược phẩm, thực phẩm chức năng

Gần đây, việc cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, khiến người dân bức xúc, đặt ra vấn đề cần nghiên khắc hơn nữa trong công tác quản lý các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Người tiêu dùng lo lắng

Việc sản xuất, buôn bán sữa và tân dược giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, gây tốn kém cho người tiêu dùng, mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, bệnh nhân…

Các sở, ngành của tỉnh kiểm tra mặt hàng sữa và sản phẩm làm từ sữa tại một cơ sở dịch vụ trên địa bàn Quy Nhơn, cuối tháng 4.2025.  Ảnh: M.H

Bà Nguyễn Thị Hoàng (ở phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) cho biết, bà thường mua thuốc chữa bệnh đái tháo đường, thấp khớp và các loại thực phẩm chức năng trên các trang web bán hàng trực tuyến, mạng xã hội do nghe nội dung quảng cáo rất thuyết phục. “Tôi nghĩ các cơ quan có chức năng liên quan cần tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, không để các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả tràn ra thị trường, nhất là trên các web bán hàng trực tuyến, mạng xã hội”, bà Hoàng nói.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, hoạt động thương mại điện tử, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng… trên nền tảng số, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đa quốc gia ngày càng phổ biến, đây là thách thức lớn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, dược phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn ngừa hàng giả, trong đó có thuốc, thực phẩm chức năng giả, sữa giả ra thị trường, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, phân phối, quảng cáo cho hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc để kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây sản xuất hàng giả, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc ngăn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả hoặc sữa giả đi vào các bệnh viện, nhà thuốc, trường học cực kỳ quan trọng, do đó cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị này.

Chị Lê Thanh H., chủ một cửa hàng tân dược trên đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn chia sẻ, để ngăn thuốc giả vào cửa hàng, chị chọn nhà cung cấp có uy tín cao, là những hãng dược lớn, ký hợp đồng lâu dài; hàng nhập vào nhà thuốc phải có hóa đơn, chứng từ, xuất xứ rõ ràng; riêng thực phẩm chức năng phải có hợp đồng, giấy công bố sản phẩm; quảng cáo phải có giấy phép Sở Y tế.

Kiểm soát, ngăn hàng giả ra thị trường

Cuối tháng 4.2025, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, TTYT tuyến huyện và các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong khám, chữa bệnh. Trong đó, rà soát, kiểm tra, đối chiếu danh mục thuốc, các thuốc đang được sử dụng tại đơn vị với các thuốc giả đã được các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, xử lý thời gian gần đây và kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng. Kết quả ghi nhận tại thời điểm rà soát cho thấy chưa phát hiện hành vi vi phạm. Sở cũng nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn tỉnh kinh doanh, phân phối, sử dụng 21 loại thuốc giả mà Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cảnh báo.

Ngày 2.5, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 55/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi, giám sát thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt tại các kênh bán hàng nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Ông Lê Quang Hùng cho hay, trong năm 2025, các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, các địa phương, đơn vị liên quan tập trung nhiệm vụ trọng tâm kiểm soát, ngăn chặn thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả ra thị trường. Trong đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm…

Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng online; cảnh giác trước những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội; không mua sữa, thuốc qua các kênh thông tin không chính thống… Khi có bệnh cần đi khám bác sĩ để được kê toa thuốc phù hợp; mua thuốc tại những nhà thuốc uy tín…


Tác giả: MAI HOÀNG
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật