Làng nghề tiện gỗ tập làm du lịch
Với tiềm năng, lợi thế về danh thắng, di tích, làng nghề truyền thống để phát triển du lịch, TX An Nhơn đã ban hành Ðề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ xã Nhơn Hậu, nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề, tăng thu nhập cho người dân.
Xã Nhơn Hậu nằm ở phía Bắc TX An Nhơn, cách TP Quy Nhơn khoảng 35 km, là nơi có nhiều danh thắng, di tích cổ xưa, làng nghề truyền thống như làm gốm, làm bún, tiện gỗ mỹ nghệ… còn duy trì đến nay.
Riêng làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu hiện có 532 hộ làm nghề; trong đó có 75 hộ làm nghề thường xuyên tạo việc làm cho hơn 500 lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; sản phẩm làng nghề đa dạng mẫu mã tiêu thụ khắp nơi trong nước. Để phát triển làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, tỉnh và TX An Nhơn đã đầu tư cơ sở hạ tầng ở đây, với hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, bãi đậu xe, hệ thống cấp thoát nước, nhà trưng bày sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, trồng cây xanh…
Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, cho biết: “Những năm gần đây, làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu có nhiều du khách đến tham quan, nhưng phần nhiều cũng chỉ ghé đến rồi đi, bởi địa phương chưa có dịch vụ phục vụ du khách. Do vậy, đầu tháng 10.2024, TX An Nhơn ban hành Đề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.
Theo đề án này, xã Nhơn Hậu sẽ lựa chọn các cơ sở làm nghề có đủ điều kiện để phục vụ du khách đến trải nghiệm thực hành chế tạo sản phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân làng nghề bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa làng nghề, phục vụ du khách bài bản… Đến với làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân lành nghề, hiểu thêm về nét đẹp văn hóa của những làng nghề thủ công truyền thống của vùng đất kinh xưa.
Từ những bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu đã tạo ra sản phẩm tinh xảo. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Chị Phạm Thị Như Thủy, chủ cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Trường Thịnh, ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, chia sẻ: “Mấy năm gần đây, nhiều cơ sở chuyển đổi mẫu mã sản phẩm từ làm những sản phẩm lớn sang những sản phẩm lưu niệm cỡ nhỏ, như bộ bình trà, tranh khảm xà cừ, tượng gỗ… Cơ sở tôi cũng thường có khách đến tham quan, mua sản phẩm lưu niệm. Để hướng tới phục vụ du lịch, gia đình tôi cũng tính toán làm thêm mô hình trình diễn kỹ thuật chế tác, đồ gỗ mỹ nghệ đơn giản và hướng dẫn cho du khách thực hành trải nghiệm, tăng thêm sự thú vị khi đến đây”
Tương tự, anh Trần Văn Tiến Hùng, chủ hộ làm nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, tâm tình: “Du khách đến làng nghề sẽ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa bản địa khi trực tiếp được nghe nghệ nhân kể về nghề, trải nghiệm làm các sản phẩm đơn giản. Du lịch phát triển thu hút du khách tìm tới thì làng nghề được biết đến nhiều hơn, người dân cũng có thêm thu nhập từ làm nghề, phục vụ dịch vụ ăn uống, lưu trú, thúc đẩy làng nghề phát triển hơn”.
Phát triển làng nghề gắn du lịch cộng đồng góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến mới cho du lịch An Nhơn, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Cùng với thí điểm phát triển du lịch cộng đồng làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, TX An Nhơn cũng thí điểm phát triển mô hình tương tự tại làng mai Nhơn An.
Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết: “Thị xã sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; thu hút DN đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ ẩm thực truyền thống; kết nối các tour du lịch đưa khách đến làng nghề…, để thực hiện đề án thí điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và làng nghề mai vàng Nhơn An. Từ đó, định hướng phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch văn hóa ở TX An Nhơn”.