|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao năng lực cho hòa giải viên cơ sở

Tháng 10.2020, Sở Tư pháp phối hợp với các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Vĩnh Thạnh tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên tại các địa phương này. Ðây là hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, giúp đội ngũ hòa giải viên tích lũy kinh nghiệm trong giải quyết các mâu thuẫn tại cơ sở.

Một tiểu phẩm do các HGV ở huyện Tuy Phước dàn dựng, biểu diễn tại lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở vào tháng 10.2020.

Tại các lớp tập huấn, hơn 500 hòa giải viên (HGV) và công chức tư pháp - hộ tịch của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuy Phước, Phù Cát, Vĩnh Thạnh được phổ biến, hướng dẫn một số kỹ năng cần vận dụng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Hướng xử lý tình huống hòa giải liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, như: Công nhận kết quả hòa giải thành; quy trình bầu HGV; hướng xử lý đối với một số vụ việc phức tạp…

Bên cạnh đó, các HGV còn tham gia phân tích, xử lý những tình huống pháp lý do báo cáo viên đưa ra tại lớp tập huấn. Đồng thời, trao đổi các vấn đề liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua những tiểu phẩm do chính HGV dàn dựng, biểu diễn. Qua đó, các HGV nắm bắt được những kiến thức pháp luật cơ bản và những kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Linh, HGV cơ sở ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), cho biết: Ở vùng nông thôn thường xảy ra những mâu thuẫn, xích mích nhỏ giữa các thành viên trong một gia đình hoặc giữa những gia đình có nhà ở lân cận nhau. Các HGV phải làm nhiệm vụ “trọng tài”, vừa xử lý chuyện tình cảm, vừa hướng dẫn chuyện luật pháp, giúp đôi bên hòa giải. Việc này đòi hỏi HGV phải vận dụng nhiều kỹ năng như giao tiếp, lắng nghe, khai thác thông tin; nắm chắc quy định của pháp luật để tìm giải pháp tư vấn thấu tình, đạt lý. Do vậy, việc tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở là thiết thực, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của HGV.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp), thì hòa giải ở cơ sở là việc HGV hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Hoạt động này có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Bởi khi hòa giải, ngoài yếu tố “cái tình”, các HGV còn vận dụng những quy định pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp các bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, các quy định pháp luật đến với người dân một cách trực tiếp, có sức thẩm thấu và lan tỏa sâu rộng.

Được biết, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ HGV trong toàn tỉnh. Các lớp tập huấn tập trung vào một số nội dung cơ bản trong công tác hòa giải ở cơ sở, như nắm rõ nội dung, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên. Xác định tính chất của tranh chấp, lựa chọn văn bản có liên quan để vận dụng vào việc giải quyết. Gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hợp với việc giải thích pháp luật, giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của bản thân.

“Trong công tác hòa giải ở cơ sở, ngoài yếu tố “cái tình”, HGV còn phải nắm chắc các quy định của pháp luật, phân tích đúng sai một cách hợp lý để nhận được sự đồng thuận từ các bên và hóa giải mâu thuẫn. Do đó, hàng năm, Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ HGV; bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ HGV. Hoạt động này nhằm giúp đội ngũ HGV ở cơ sở vừa nâng cao kiến thức pháp luật, vừa tích lũy kinh nghiệm về phương thức hòa giải; giúp công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng thiết thực, hiệu quả”, ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết.

Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh có gần 1.130 tổ hòa giải, với hơn 8.490 HGV ở cơ sở. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải thực hiện hòa giải thành gần 600 vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong cộng đồng dân cư. Công tác hòa giải ở cơ sở góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài; tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo ANTT ở địa phương.

Theo VĂN LỰC (baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật