A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025

(binhdinh.gov.vn)-Chiều 25/9, tại thành phố Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Giao ban ngành gỗ bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ NN và PTNT Hà Công Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu.

Quang cảnh hội nghị

Trong 9 tháng năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có nhiều biến động, đặc biệt dịch bệnh Covid-19. Nếu như trong 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019 thì giai đoạn tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu giảm, các nhà máy sản xuất, chế biến hoạt động cầm chừng, nhiều nhà máy tạm đóng cửa do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu phụ trợ, vốn đầu tư sản xuất… Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2020 khi dịch bệnh đã dần được khống chế, các quốc gia đã bắt đầu phục hồi sản xuất nên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đã tăng trở lại và trong tháng 8 và tháng 9 giá trị xuất khẩu đã tăng ở mức 2 con số, đặc biệt, lần đầu tiên, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 15 ngày đầu tháng 9 đạt 565,6 triệu USD, dự kiến trong 9 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến của dịch Covid -19 còn nhiều phức tạp cộng với nhiều chính sách biến động nên hoạt động xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức và thuận lợi đan xen.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2020 đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019, thể hiện sự nỗ lực, sáng tạo, đồng hành chia sẻ của toàn ngành cũng như các doanh nghiệp ngành gỗ. Sự sáng tạo trong bán hàng giúp doanh nghiệp cải tiến quản trị, hay đàm phán tìm kiếm khách hàng. Nhìn lại mục tiêu 7,5 tỷ USD xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2020, hiện, ngành đã vượt xa. Đây là cơ hội để ngành đánh giá, xây dựng chiến lược cũng như thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra đến 2025 xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt con số 20 tỷ USD. “Nếu chúng ta không cố gắng để đạt được kim ngạch xuất khẩu đạt từ 12,5- 13 tỷ USD, thì toàn ngành nông nghiệp cả nước khó đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra”, ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, xem xét những vấn đề về cơ chế chính sách và hài hòa hóa các quy định và thông lệ quốc tế để ngành gỗ phát triển bền vững hơn. Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đánh giá cao sự hỗ trợ của Bộ NN và PTNT, vai trò của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đối với sự phát triển của ngành gỗ và lâm sản của tỉnh; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp gỗ và lâm sản trên địa bàn tỉnh, nhất là tác động của dịch Covid-19. Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Định đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu các ngành công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp hoạt động chế biến gỗ với tổng công suất khoảng 345.000 m3 đồ gỗ tinh chế/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động. Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành chế biến gỗ và lâm sản của tỉnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất ổn định và có sự tăng trưởng khá; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ và lâm sản đạt trên 420 triệu USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, gỗ đạt 166,8 triệu USD (tăng 13,3%); sản phẩm gỗ ước đạt 251,5 triệu USD (tăng 28,2%)…

Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp gỗ và lâm sản vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đưa ra nhiều giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần phát triển sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản giai đoạn 2021-2025.

Cũng tại hội nghị, nhiều tham luận với góc nhìn đa chiều về thực trạng và giải pháp ngành chế biến gỗ và lâm sản đã được nêu ra như: Sự gắn kết giữa ngành chế biến gỗ với các ngành liên quan, Cơ hội ngành gỗ trong thực thi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU; Các giải pháp phát triển kênh xúc tiến thương mại điện tử trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid 19, hành lang pháp lý hỗ trợ thực thi Hiệp định thương mại tự do cho ngành gỗ, Cơ chế hình thành các khu công nghiệp tập trung cho ngành gỗ.

Dịp này, Ngân hàng TMCP Quân đội đã hỗ trợ Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Bình Định 100 triệu đồng để phát triển thị trường ngành gỗ trong 5 năm tới./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật