Nghị quyết số 57-NQ/TW: Động lực mới cho KHCN và chuyển đổi số tại Bình Định
Nghị quyết số 57-NQ/TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành ngày 22.12.2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là bước ngoặt quan trọng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.
Tại Bình Định, tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp tinh thần đổi mới với những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Nghị quyết số 57-NQ/TW (NQ57) được đánh giá là một chiến lược mang tính đột phá khi xác định rõ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại. Điểm đặc biệt của Nghị quyết là việc Tổng Bí thư trực tiếp giữ vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này.
TMA Solutions - một trong những DN gia công và sản xuất phần mềm hàng đầu Việt Nam đang hoạt động tại Bình Định. Ảnh: H.G
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ ngành KH&CN năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nhấn mạnh, NQ57 không chỉ khẳng định vị trí quan trọng của KH&CN, ĐMST và CĐS trong phát triển quốc gia mà còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để đất nước đi tắt, đón đầu, tận dụng cơ hội vươn mình cùng các quốc gia phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tất cả chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ NQ57, biến các mục tiêu thành hành động thực tiễn. Chỉ khi tận dụng tốt KH&CN, đất nước mới có thể theo kịp các nước phát triển.
NQ57 đã nhận diện, chỉ ra những tồn tại và thách thức như tốc độ đổi mới còn chậm, quy mô tiềm lực KH&CN hạn chế, nhận thức về CĐS chưa đầy đủ…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm Bình Định cần triển khai trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu của NQ57, bao gồm: Đẩy nhanh quá trình triển khai CĐS trong mọi lĩnh vực, nâng cao nhận thức và hoàn thiện thể chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để thống nhất tư duy về vai trò thiết yếu của KH&CN và CĐS, xem đây là yêu cầu bắt buộc cho phát triển. Đồng thời, cần đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý theo hướng bám sát thực tiễn với phương châm “chủ động, nghĩ lớn”. Song song đó, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển.
Ngành KH&CN cũng cần làm tốt công tác tuyển chọn và nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển các DN KH&CN, đặc biệt là phát triển công nghệ sinh học, xem đây là lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư, áp dụng mạnh mẽ vào các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
TS Nguyễn Hữu Hà, Giám đốc Sở KH&CN, khẳng định sẽ tận dụng NQ57 để đột phá trong phát triển KH&CN địa phương. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung vào các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm gắn với thực tiễn và CĐS, trong đó ưu tiên tuyển chọn các đề tài nghiên cứu phục vụ phát triển nền tảng số, dịch vụ số và dữ liệu số cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Chú trọng phát triển các DN KH&CN có quy mô lớn, đủ tiềm lực và khả năng dẫn dắt công nghệ, ĐMST, tạo ra những đột phá cho tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học, bán dẫn, AI và IoT nhằm xây dựng nền tảng KH&CN tiên tiến, nâng cao giá trị sản xuất và năng lực cạnh tranh địa phương.
NQ57 đã đưa ra những quan điểm đổi mới mạnh mẽ như xác định đầu tư cho KH&CN, ĐMST và CĐS là đầu tư dài hạn, coi dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới. Đặc biệt, nghị quyết chọn cách tiếp cận những vấn đề mới của thời đại như AI, blockchain, IoT, đồng thời đề ra cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới.
Với những định hướng đột phá từ Trung ương và những chỉ đạo sát sao và quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, việc triển khai NQ57 tại Bình Định được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.