A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những quy định chấm bài thi THPT Quốc gia năm 2016

Chiều 4.7, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết, kết thúc buổi thi cuối, Sở GD&ĐT đã tập trung toàn bộ bài thi về Trường THPT Quốc học (TP Quy Nhơn) để dồn túi, đánh phách vào hôm nay (5.7). Theo kế hoạch, ngày 8.7 sẽ tiến hành chấm bài.


Ảnh minh họa.

Cách chấm bài thi, theo quy định của Bộ GD&ĐT, chia làm hai bộ phận: Bộ phận chấm bài thi tự luận và bộ phận chấm bài thi trắc nghiệm.

Chấm thi tự luận theo Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.

Quy trình chấm cụ thể như sau: Ban Thư ký Hội đồng thi giao túi bài thi đã làm phách và phiếu chấm cho Trưởng môn chấm thi. Trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế thi, thảo luận Hướng dẫn chấm; chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận mỗi môn để rút kinh nghiệm, thống nhất cách vận dụng Hướng dẫn chấm. Sau đó, sẽ tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt. Tiếp đó, thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi so sánh kết quả chấm thi và xử lý.

Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 0,5 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, dưới 1,0 điểm đối với môn khoa học xã hội, thì hai cán bộ chấm thảo luận thống nhất điểm; rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) từ 0,5 đến 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, từ 1,0 đến 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, thì hai cán bộ chấm thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi để thống nhất điểm; sau đó ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm và ký vào bài thi.

Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,0 điểm đối với môn khoa học tự nhiên, trên 1,5 điểm đối với môn khoa học xã hội, thì trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác.

“Nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau thì Trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh” - ông Tuấn cho biết.

Với phần chấm bài thi trắc nghiệm có Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm Tổ trưởng là lãnh đạo Ban chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; bộ phận giám sát gồm thanh tra do Chủ tịch Hội đồng thi phân công và Công an. Các Phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng.

Trong quá trình chấm thi, Sở GD&ĐT bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi. Mọi hiện tượng bất thường đều báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản. Tất cả Phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã quét và Phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị chủ trì cụm thi.

Dữ liệu quét (được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ GD&ĐT) được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau, niêm phong dưới sự giám sát của Thanh tra và Công an. “Chỉ sau khi đã gửi đĩa CD dữ liệu quét về Bộ GD&ĐT, Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm dưới sự giám sát của Công an và Thanh tra để tiến hành chấm điểm” - ông Tuấn cho biết.

Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Nguồn: Báo Bình Định

 

 

 


Tin nổi bật Tin nổi bật