A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững ngành gỗ sau đại dịch Covid-19

(binhdinh.gov.vn)-Chiều ngày 28/4, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá: Phát triển ngành gỗ bền vững giai đoạn hậu dịch”. Tham gia Hội thảo có Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan trong tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam báo cáo kết quả khảo sát tác động của đại dịch Covid- 19 đối với ngành gỗ tại 124 doanh nghiệp vào cuối tháng 3/2020, cho thấy, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể: về tác động tài chính, 75% số doanh nghiệp phản hồi cho biết thiệt hại ban đầu đối với các doanh nghiệp này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng. Hơn 51%  số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Với một ngành có độ mở rất lớn như ngành gỗ, ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD năm 2019, đại dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung trong xuất nhập khẩu. Sụt giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân công, sức ép về các khoản chi trong khi thiếu nguồn thu là những khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện đang phải đối mặt. Nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ về chính sách tài khóa, tín dụng thương mại, an sinh xã hội…, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn kết người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị cho các hoạt động tái sản xuất, nhằm phục hồi sau dịch. Trong ngành hiện cũng đang hình thành các ý tưởng, sáng kiến không những giúp doanh nghiệp tái hoạt động mà còn chuẩn bị để tăng tốc và bứt phá thời hậu dịch.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sảnViệt Nam (VIFORES) cho biết, hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược. Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Trong khi đó cơ cấu dòng sản phẩm của Việt Nam hiện chưa hợp lý... do sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không tăng cao trong tương lai. Từ đó, để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Để giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sảnViệt Nam cho rằng, ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng, cần hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi tác động của Covid-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Cũng tại Hội thảo, Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch FPA Bình Định cho biết, FPA Bình Định sẽ có định hướng chiến lược cho doanh nghiệp gỗ của Bình Định; trong đó tập trung vào chiến lược tìm kiếm thị trường, ổn định sản xuất và chuẩn bị tốt cho giai đoạn phục hồi; kết nối với VIFOREST để chủ động trong việc ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật