A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản xuất vụ Đông Xuân: Điều chỉnh linh hoạt, ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai

(binhdinh.gov.vn)-Thời tiết vụ Đông Xuân 2016 – 2017 diễn biến bất thường trái với quy luật nhiều năm, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn, gây ngập úng và thiệt hại lớn về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và hạ tầng thủy lợi, đê điều. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động ứng phó thiên tai, tổ chức chỉ đạo điều hành sản xuất quyết liệt, sát với thực tiễn sản xuất, nên đã cơ bản khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục và phát triển sản xuất.

Kết quả, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, riêng lúa chân 1 vụ đã thu hoạch năng suất bình quân ước đạt 60 tạ/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh được khống chế kịp thời.

Ngay sau khi nước lũ rút, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đã chủ động mua 2.371,2 tấn lúa giống (giống lúa thuần 2.344 tấn, giống lúa lai 27,2 tấn) hỗ trợ cho nông dân gieo sạ, tương ứng với diện tích 20.596 ha, tổng kinh phí mua lúa giống 38,977 tỷ đồng. Khắc phục, hàn khẩu tạm  25/87 km đê, kè và 30/32 km bờ sông bị sạt lở; nạo vét, tu bổ 150/285 km kênh mương bị bồi lấp, hư hỏng; sửa chữa 28/45 công trình trên kênh; khôi phục 227 đập tạm bị hư hỏng để bảo đảm dẫn nước tưới phục vụ sản xuất 3.200 ha/3.775 ha diện tích đất lúa bị sa bồi, thủy phá. Trên cơ sở khung lịch thời vụ của tỉnh, ngành nông nghiêp đã phối hợp với các địa phương chủ động điều chỉnh thời điểm gieo sạ phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất, do đó nhiều nơi thời điểm gieo sạ muộn hơn so với vụ Đông Xuân các năm trước 10- 15 ngày, vùng trũng muộn 25-30 ngày; ưu tiên gieo sạ giống ngắn ngày (TBR 36, PC6, SV181, ANS1,...) đối với diện tích muộn thời vụ.

Về chăn nuôi, tranh thủ nước rút đến đâu, tổ chức vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường ngay; đẩy mạnh tiêm phòng bổ sung vaccine cho gia súc, gia cầm; cung ứng thuốc sát trùng cho các địa phương theo nhu cầu đề xuất, phục vụ công tác vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh. Trung ương đã hỗ trợ 200.000 liều vaccine LMLM typeO, 200.000 vaccine dịch tả heo, 20.000 kg Sodium Chlorite 20%, 20.000 lít Bencocide và 20.000 lít Han-Iodin, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và UBND tỉnh đã xuất chi 1 tỷ đồng để hỗ trợ tiền công tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đợt I/2017 cho người chăn nuôi. Viện Chăn nuôi đang xem xét, dự kiến hỗ trợ 300 con heo giống cho thị xã An Nhơn và 50.000 con gà cho huyện Tuy Phước.

Về thủy sản, đã hỗ trợ cho 22 tàu thuyền của ngư dân huyện Hoài Nhơn và Phù Cát bị thiệt hại (vỡ, chìm) trong đợt mưa lũ, với tổng số tiền 1,715 tỷ đồng từ nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Trọng Hổ nhận xét: Sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm nay gặp nhiều khó khăn do mưa lũ gây ngập úng đầu vụ, nhiều diện tích phải sạ lại nhiều lần; thời điểm xuống giống các loại cây trồng có muộn hơn vụ Đông Xuân các năm trước, tuy nhiên mưa lũ cũng đã cung cấp lượng phù sa đáng kể cho đồng ruộng, kết hợp với công tác chỉ đạo, hướng dẫn chăm sóc, bón phân, tỉa dặm kịp thời giúp cây trồng sớm phục hồi; sau mưa lũ cây lúa sinh trưởng phát triển trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, sâu bệnh ít nên lúa Đông Xuân (cả chân 3 vụ và 2 vụ/năm) sinh trưởng phát triển tốt. Hiện nay, diện tích lúa chân cao sạ cưỡng đang thu hoạch và cho năng suất cao hơn năm trước; riêng lúa chân 1 vụ/năm đã thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 60 tạ/ha, tăng khoảng 5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; riêng diện tích lúa lai hộ đồng bào dân tộc thiểu số năng suất bình quân ước đạt 68,5 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Về chăn nuôi, đã tập trung khôi phục, phát triển đàn gia súc, gia cầm; chương trình lai tạo giống bò và phát triển bò thịt chất lượng cao tiếp tục được đẩy mạnh; tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh được khống chế kịp thời./.

Đinh Văn Toại


Tin nổi bật Tin nổi bật