Chú trọng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thực hiện được 2 đề tài khoa học cấp tỉnh nghiên cứu quy trình kỹ thuật trồng cây Giảo cổ lam và Kim tiền thảo tại 3 xã vùng cao của tỉnh Bình Định; đề tài nghiên cứu quy trình trồng cây Sa nhân tím dưới tán rừng tại xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh. Các đề tài nghiên cứu này đã được hội đồng khoa học tỉnh đánh giá thành công. Hơn thế nữa, công ty cổ phần Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định hiện cũng đang đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu tập trung với diện tích 300 ha ở xã An Toàn (huyện An Lão) để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thuốc của công ty.
Ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Định hướng đến năm 2020, phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện lập địa ở một số xã thuộc 3 huyện miền núi (Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh) của tỉnh; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng bền vững; tiếp tục nghiên cứu phát triển một số cây dược liệu mới có giá trị để đưa vào sản xuất nhằm tạo việc làm, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân bản địa. Kế hoạch, từ năm 2017- 2020 triển khai sản xuất phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng bền vững ổn định khoảng 300 ha./.
Đinh Văn Toại (Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định)