Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý hạ tầng bưu chính - viễn thông
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý hạ tầng BCVT trên địa bàn tỉnh - Trong ảnh: Thi công trạm phát sóng viễn thông của Viettel Bình Định.
Đến nay, hạ tầng mạng lưới BC-VT tại Bình Định phát triển tương đối hoàn thiện. Hệ thống cáp quang mạng VT bước đầu được triển khai. Tỉ lệ ngầm hóa mạng cáp VT trên địa bàn tỉnh đạt 25%, với 2.029 tuyến cáp. Hạ tầng cột ăng-ten thu phát sóng thông tin di động rộng khắp, với 1.136 vị trí cột ăng-ten, 39% trong số đó được đầu tư xây dựng, lắp đặt theo công nghệ 3G. Về mạng lưới BC công cộng, hiện có 280 điểm phục vụ; 2 doanh nghiệp (DN) cung cấp BC chuyển phát, 7 chi nhánh làm công tác chuyển phát.
Trong khi ngành BC-VT phát triển nhanh chóng thì ngược lại việc quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tiến sĩ Võ Gia Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TT-TT, phân tích: Hạn chế trước hết có thể nhìn thấy rõ là thiếu thống nhất và đồng bộ trong quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật VT thụ động, mỗi DN xây dựng một hạ tầng kỹ thuật VT riêng, dẫn đến sự chồng chéo, lãng phí nguồn vốn đầu tư và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Tiếp đó, các điểm cung cấp dịch vụ BC-VT công cộng phát triển khá rộng khắp, nhưng lại thiếu các đánh giá thực trạng và giải pháp để quản lý tốt các điểm này.
Ngoài ra, mạng thông tin di động đã được phủ sóng đến hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh, nhưng do đặc điểm địa hình với 80% đồi núi nên vẫn còn một số khu vực sóng yếu, lõm sóng. Việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng VT chưa được quan tâm đúng mức, chưa hiệu quả. Tỉ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động giữa các DN chỉ đạt 10%. Vì vậy, cần phải có một công cụ hỗ trợ hiệu quả nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác dự báo, và quản lý.
Theo tiến sĩ Võ Gia Nghĩa, hệ thống GIS có khả năng mạnh về phân tích và quản lý dữ liệu không gian. Việc ứng dụng có thể tìm sự phân bố địa lý và phủ sóng của hạ tầng VT, phân tích mối liên quan giữa sự phân bố các trạm thu phát sóng với các yếu tố địa lý phức tạp đồi núi của Bình Định, dự đoán tình hình phát triển và hỗ trợ ra quyết định để có những giải pháp kịp thời trong công tác quản lý.
“Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý hạ tầng BC-VT trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng và khắc phục được các hạn chế và các yêu cầu đặt ra. Đồng thời, hỗ trợ cho công tác dự báo, quản lý hạ tầng VT trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ cho người dân và DN tra cứu thông tin về hạ tầng kỹ thuật VT thụ động và các điểm cung cấp dịch vụ BCVT. Chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý phục vụ quản lý hạ tầng BC-VT; xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu gắn với WebGIS. Không chỉ là công cụ hữu hiệu trong dự báo, thống kê và quản lý hạ tầng BC-VT, hệ thống này còn có thể được áp dụng rộng rãi cho các cơ quan quản lý VT, cũng như cấp phép về xây dựng các hạ tầng VT” - ông Nghĩa cho biết.
Ðề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý hạ tầng BC-VT trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh” sẽ hoàn tất vào cuối năm 2018. Khi kết quả của đề tài được triển khai, với khả năng xử lý của công nghệ GIS, thông tin cung cấp sẽ kịp thời, chính xác hơn nhiều so với cách quản lý và xử lý thủ công trên giấy. Dữ liệu của các đơn vị được chia sẻ trên mạng, tạo nhất quán trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định. Cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng VT tỉnh được đưa vào sử dụng và được cập nhật mở rộng với các đối tượng ngành thông tin - truyền thông, đánh dấu sự thiết lập mối quan hệ giữa chính quyền với cộng đồng DN trên địa bàn. Qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành của các đơn vị hành chính nhà nước. |
Theo Thu Hiền (baobinhdinh.com.vn)