A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình phát triển Công nghiệp và Thương mại 6 tháng đầu năm 2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen ....đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, các DN tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về đơn hàng, thị trường xuất khẩu do xung đột tại Nga - Ucraina vẫn tiếp diễn; xung đột Israel - Hamas; khu vực eo biển Đỏ bất ổn làm các hãng tàu chọn tuyến tránh dẫn đến cước vận chuyển tăng gấp 3 lần...

Trước tình hình đó, ngành Công Thương tiếp tục triển khai các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, kiểm soát thị trường góp phần bình ổn thị trường, cùng các chủ trương, chính sách và nỗ lực của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng, tình hình và kết quả cụ thể như sau:
- Về phát triển Công nghiệp: Sở Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Chỉ số SXCN của toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,65% so với cùng kỳ 2023; trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,86%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,43%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,63%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,46%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ: gạch ốp lát tăng 177,53%; quần các loại tăng 51,49%; áo các loại tăng 47,43%; bàn ghế gỗ tăng 9,3%; bàn ghế nhựa giả mây tăng 22%; điện thương phẩm tăng 24,78%; thuốc nước để tiêm tăng 16,95%; dung dịch huyết thanh tăng 9,53%; tấm lợp kim loại tăng 85%; sữa, kem chưa cô đặc tăng 95,66%... Ngược lại, một số ngành khác giảm so với cùng kỳ do tiêu thụ chậm như: ống thép giảm 43,12%; gạch xây giảm 13,1%; điện sản xuất giảm 8,63%; tôm đông lạnh giảm 7,16%; phi lê cá giảm 5,21%…
+ Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã tổ chức: (1) thẩm định cấp cơ sở 23 đề án (lập thành 01 đề án điểm, 03 đề án nhóm và 01 đề án riêng lẻ) trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt từ nguồn kinh phí KCQG năm 2024 với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ 4.592 triệu đồng; (2) tổng hợp các đề án và tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 22 đề án khuyến công địa phương năm 2024 (đợt 1) với tổng kinh phí hỗ trợ 2.326,5 triệu đồng (Năm 2024, Kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương được giao 5.072 triệu).
Về bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu: Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 145 sản phẩm/bộ sản phẩm của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Định lần thứ VIII - năm 2024; trong đó, có 69 sản phẩm đạt OCOP (gồm 56 sản phẩm OCOP 3 sao, 12 sản phẩm OCOP 4 sao và 01 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao) và có 71 sản phẩm lần đầu tham gia bình chọn. Sở Công Thương đã tham mưu Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Định lần thứ VIII - năm 2024 tổ chức bình chọn theo quy định và trình UBND tỉnh xem xét, công nhận 60 sản phẩm đạt sản phẩm CNNT tiêu biểu tỉnh Bình Định lần thứ VIII - năm 2024.
- Về phát triển thương mại
Hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt; nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống phân phối cung ứng dịch vụ thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, thị trường ngày càng được mở rộng.
- Các doanh nghiệp thương mại chuẩn bị tốt lực lượng hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt, giá cả hấp dẫn đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân; bên cạnh việc thực hiện phương án bình ổn thị trường Tết nên không xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hóa. Nhờ vậy, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt 58.333,4 tỷ đồng, tăng 14,6 % so với cùng kỳ, đạt 50,9% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã tổ chức: (1) 02 “Phiên chợ Nông sản Bình Định năm 2024” tại thành phố Quy Nhơn; (2) Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng của Bình Định tại “Ngày hội Người Bình Định lần VIII - năm 2024”; (3) Trưng bày, triển lãm giới thiệu các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của tỉnh Bình Định trong khuôn khổ Hội chợ Hàng phong cách Ngoài trời Q-FAIR 2024; (4) không gian triển lãm kinh tế, điểm đến đầu tư, kết hợp trưng bày sản phẩm đặc trưng, OCOP của tỉnh Bình Định tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024; (5) Hỗ trợ: 06 lượt doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất (CSSX) kinh doanh, cơ sở làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu hàng hóa trong và ngoài tỉnh với tổng kinh phí là 77.248.000 đồng; 20 doanh nghiệp, HTX, CSSX giao lưu, kết nối trưng bày sản phẩm OCOP, đặc trưng Bình Định tại Khu phức hợp giải trí - du lịch - thương mại TOCEPO; 04 CSSX giao lưu, kết nối trưng bày sản phẩm tại ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ II-2024; (6) Tổ chức đoàn tham gia Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan tại thành phố Pakse, nước CHDCND Lào với 11 doanh nghiệp, HTX, CSSX tham gia.
Ngoài ra, đã thông tin, vận động doanh nghiệp, HTX, CSSX kinh doanh, cơ sở làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu hàng hóa trong nước.
- Đối với hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc, đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… và những nỗ lực trong việc đẩy mạnh ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 887 triệu USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 53,8% kế hoạch năm.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều đã tăng, trong đó: mặt hàng Hàng thủy sản đạt 58,4 triệu USD, tăng 3,7%, mặt hàng gỗ đạt 199 triệu USD, tăng 31,4% sản phẩm từ gỗ (nội - ngoại thất) đạt 249 triệu USD, tăng 24%, sản phẩm từ chất dẻo (hàng nhựa giả mây) đạt 125,9 triệu USD, tăng 49,1%, mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 44  triệu USD, tăng 1%, gạo đạt 29,2 triệu USD, tăng 7,1%. Riêng chỉ có mặt hàng giày dép các loại đạt 1,3 triệu USD, giảm 36,2% so với cùng kỳ.


Tác giả: Mai Hằng Phương
Nguồn:sct.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật