|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ BÌNH ĐỊNH CHO TẠP CHÍ DOANH NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ BÌNH ĐỊNH

CHO TẠP CHÍ DOANH NGHIỆP VÀ THƯƠNG MẠI

(Ngày  15/6/2024- Phần 1)

Câu 1: Những đổi mới trong quản lý, điều hành và kết quả hoạt động của ngành thuế Bình Định năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Những thuận lợi, khó khăn.

Đánh giá nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 đương đầu với nhiều yếu tố khó khăn nhưng không bất ngờ, với sự chủ động ngay từ đầu, Lãnh đạo Cục đã xác định phương châm hành động của Cục Thuế: “Đoàn kết - Vững tâm - Đổi mới - Sáng tạo - Đột phá - Thành công” - Toàn ngành khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, tranh thủ thời cơ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các lĩnh vực công tác:

- Chỉ đạo toàn ngành sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, nỗ lực đưa ra những giải pháp trong kiểm tra, giám sát nguồn thu cho ngân sách trên tất cả mọi lĩnh vực ngay từ những ngày đầu năm. Đồng thời, luôn chủ động rà soát nguồn thu để dự báo nguồn thu sát với tình hình thực tế phát sinh.

- Thực hiện chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới phương thức quản lý thuế ở một số lĩnh vực trọng yếu, ngành nghề đầy tiềm năng: quản lý thuế hộ kinh doanh, hoạt động kinh doanh du lịch, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản,…

- Toàn ngành tiếp tục là “điểm tựa”; hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh - như một cách tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, ổn định hơn.

- Tái thiết mô hình quản lý rủi ro trong quản lý thuế - mô hình quản lý theo mức độ tuân thủ với trọng tâm phân loại, đánh giá người nộp thuế dựa trên hệ thống các tiêu thức rủi ro liên quan đến 04 nội dung: thuế GTGT, thuế TNDN, hóa đơn điện tử và các chỉ tiêu khác (thuế tài nguyên, thuế TNCN,….). Việc phân loại doanh nghiệp theo mức độ tuân thủ từ thấp đến cao giúp cơ quan thuế xác định cách thức quản lý, giám sát phù hợp đối với từng nhóm NNT; theo đó, đưa ra các biện pháp nghiệp vụ cần thiết ở mức độ phù hợp nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật thuế, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm.

Đặc biệt, tích cực truyền thông định hướng quản lý thuế theo mô hình nêu trên, bởi đây đồng nghĩa với việc cơ quan thuế sẽ không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2023 đối với các DN không có dấu hiệu vi phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Chuyển đổi số đồng bộ các chức năng quản lý và quản trị nội ngành.

- Chỉ đạo các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các sở, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh; trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề kết nối dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung.

- Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo nguyên tắc: Đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng công chức mới tuyển dụng là tiền đề quan trọng, nền móng để xây dựng và phát triển cho các khâu sau; Bố trí, đào tạo, đánh giá là khâu cốt lõi, xuyên suốt có tính hệ thống, vừa là nhiệm vụ trước mắt vừa là nhiệm vụ lâu dài; Quy hoạch công chức là nền tảng; bổ nhiệm, luân chuyển công chức là khâu đột phá có tính chiến lược.

Theo đó, kết quả thu ngân sách năm 2023, toàn tỉnh thu được 12.108,1 tỷ đồng, đạt 115,5% dự toán BTC giao, 96,4% dự toán HĐND và UBND giao, trong đó khu vực CTN-NQD thu được 2.866 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán BTC và HĐND, UBND giao.

Bước sang năm 2024, tình hình kinh tế thế giới dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức do xung đột địa chính trị vô cùng phức tạp, nhiệm vụ công tác thuế cả năm 2024 còn rất nặng nề. Tuy nhiên, thuận lợi từ đầu năm 2024, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều chương trình hành động thu hút đầu tư, cùng với đó là tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện nổi bật mừng Đảng, mừng Xuân, đặc biệt tháng 3 có Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định quý I/2024 tiếp tục duy trì và phát triển hầu hết các ngành, lĩnh vực, tạo tiền đề, động lực để tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.

Về phía ngành thuế, để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mặt công tác năm 2024, Lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các nội dung: (1) Toàn thể công chức ngành Thuế Bình Định cần nỗ lực, bứt tốc, coi rào cản là động lực phấn đấu vượt qua, khơi thông điểm nghẽn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 ở mức cao nhất; (2) Tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh ; (3) Tăng cường công tác kiểm tra chống thất thu thuế; (4) Tăng cường công tác quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền KTKS; (5) Tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; (6) Bên cạnh nguồn thu trọng yếu từ công tác kiểm tra và giám sát hồ sơ khai thuế đề nghị tập trung quản lý, khai thác các nguồn thu: các công trình, dự án sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách, xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân, lưu trú, khai thác khoáng sản, chuyển nhượng bất động sản, thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số … (7) Thúc đẩy triển khai HĐĐT đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu; (8) chỉ đạo các Chi cục Thuế tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu NSNN; (9) Triển khai kịp thời các chính sách tài khóa của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi Quốc hội và Chính phủ ban hành; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, nhất là các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển của doanh nghiệp, tăng thu cho NSNN; (10) tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của HĐND, UBND các cấp để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.

Kết quả thu NSNN quý I/2024: Tính đến 31/3/2024, cả tỉnh thu được 2.641,5 tỷ đồng, đạt 18,5% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 18,2% so với cùng kỳ; trong đó khu vực CTN-NQD thu được 836,7 tỷ đồng, đạt 27,3% dự toán, giảm 5,2% so với cùng kỳ.

Câu 2: Từ thực tế phát triển kinh tế - hạ tầng - xã hội của tỉnh, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử xuyên quốc gia và biến động giá đất trên thị trường, ngành đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh CCHC và tăng cường quản lý thu ngân sách được chặt chẽ, hiệu quả?

 * Liên tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính:

 Tổ chức rà soát kỹ các thủ tục hành chính cấp Cục thuế và cấp Chi cục thuế liên quan đến người nộp thuế để đề nghị cắt giảm thủ tục không cần thiết, và giảm thiểu thời gian giải quyết các nội dung liên quan đến NNT.

- Về tổng thể: số TTHC đã giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục (trong đó 103/234 thủ tục đạt mức độ 3-4 và 97/103 thủ tục được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia). Đồng thời, đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 86/304 thủ tục (đạt tỷ lệ 28,3%), vượt mục tiêu của Nghị quyết 68 của Chính phủ (đến năm 2025 thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh).

- Về phía Cục Thuế:

+ Tham mưu UBND tỉnh tích hợp thủ tục đăng hộ kinh doanh với đăng ký thuế hộ kinh doanh, đã rút ngắn thời gian giải quyết 02 thủ tục này từ 08 ngày làm việc xuống còn 03 ngày làm việc theo Quyết định số 60/2020/QĐ-UBND tỉnh Bình Định ngày 28/8/2020.

+ Mạnh dạn cắt giảm thủ tục bảng kê mua vào của các doanh nghiệp có hồ sơ hoàn thuế gửi đến cơ quan Thuế nhờ chủ động trong việc xây dựng ứng dụng “Quản lý Hóa đơn điện tử” phục vụ cho công tác quản lý.

+ Chuyển từ phương thức thanh, kiểm tra tại trụ sở NNT sang cảnh báo toàn diện/kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế nhờ vào việc xây dựng và vận hành hệ sinh thái các bài toán nghiệp vụ trên ứng dụng nhằm vừa hỗ trợ cảnh báo doanh nghiệp sửa sai, vừa giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp. Năm 2023, toàn ngành tiếp tục trợ giúp cho doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh trên 1.143 hồ sơ khai thuế với số thuế phải nộp gần 42,6 tỷ đồng; qua đó, tránh bị thiệt hại do xử phạt VPHC với số tiền gần 5 tỷ đồng.

+ Xây dựng trao đổi thông tin với các ngành liên quan nhất là thu về đất, trước bạ. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kết nối liên thông điện tử để trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất. Qua đó, giải quyết thủ tục nhanh chóng, tránh trễ hạn trong, gây phiền hà cho NNT.

+ Liên tục rà soát các vướng mắc trong thực hiện các quy định pháp luật về thuế, các quy trình quản lý, các thủ tục hành chính liên quan đến cấp mã số thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán, miễn, giảm, hoàn thuế, ưu đãi thuế; vướng mắc trong việc phối hợp với các cấp, các ngành liên quan đến công tác thuế. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm các thủ tục hành chính thuế và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các nội dung liên quan đến NNT, cơ quan thuế; không tự ý đặt ra bất cứ thủ tục nào không có trong quy định, gây khó khăn cho NNT trong sản xuất kinh doanh và thực hiện chính sách thuế.

Nhờ vậy, trong năm 2023 đã cắt giảm thời gian chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho NNT trên địa bàn. Hiện nay, gần 100% các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện khai thuế và nộp thuế điện tử. Đồng thời, trong năm 2023 Cục Thuế không nhận phản ánh, kiến nghị nào của người dân liên quan đến việc xử lý thủ tục hành chính thuế.

* Thúc đẩy chuyển đổi số thực hiện đồng bộ với cải cách hành chính –Làm giàu giá trị hệ sinh thái phục vụ người nộp thuế dựa trên 4 trụ cột: Hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại; vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho NNT, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa công chức thuế với NNT.

* Hỗ trợ NNT:

Để tăng tính tương tác với người nộp thuế (NNT), Cục Thuế Bình Định xây dựng Cổng giao tiếp với 05 chuyên mục Vinh danh người nộp thuế, Công khai, Hỏi đáp, Liên kết và Dịch vụ công. Điểm khác biệt chính so với Website ngành Thuế là  Cổng có 2 chuyên mục được NNT rất quan tâm là Công khai và Hỏi đáp.

Đặc biệt là chuyên mục Hỏi đáp có công cụ Chat kết nối nền tảng Zalo và Messenger - kênh này hoạt động phục vụ NNT mọi nơi mọi lúc theo nguyên tắc 24/7, thời gian qua đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn, được cộng đồng NNT trên địa bàn hoan nghênh và đánh giá cao. Đến nay, riêng kênh này đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt người truy cập, giải quyết đến 90% số câu hỏi qua tất cả các hình thức của mọi kênh trả lời của Cục Thuế.

Một đặc điểm nổi bật và là thế mạnh riêng có của Cổng giao tiếp chính là chuyên mục Công khai. Tại chuyên mục này, bên cạnh việc cảnh báo nội dung sai phạm trong kê khai, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn điện tử; đã thực hiện công khai các doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, các doanh nghiệp nợ thuế; bảng giá tham chiếu cùng trình tự thủ tục để kê khai chuyển nhượng bất động sản… đơn cử như việc công khai Bảng giá tham chiếu chuyển nhượng bất động sản đã góp phần tăng thu 51,8 tỷ đồng tiền thuế.

Tính đến 31/12/2023, Cổng đã thu hút 1.563.222 lượt truy cập, tăng hơn 19 lần so với cùng kỳ, với trên 98% lượt đánh giá hài lòng, rất hài lòng với dịch vụ của cơ quan thuế.  

- Chú trọng hỗ trợ, đăng tải nội dung chính sách thuế ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào tâm lý, nguyện vọng, nhu cầu NNT trên các kênh hỗ trợ mũi nhọn, thu hút đông đảo lượng người truy cập  như Facebook, Zalo để tạo hiệu ứng lan tỏa.

         Hiện nay, Zalo Cục Thuế có hơn 5.000 người theo dõi, lũy kế đến nay có trên 49.000 lượt xem cả trong và ngoài tỉnh; Đặc biệt, Fanpage Facebook của Cục Thuế gần 10.000 người theo dõi, luôn duy trì mức 25.000 lượt người xem/tháng; theo đó mức độ tương tác tăng hơn năm mươi lần so với trước khi chưa đổi mới, mang lại lợi ích đa chiều khi vừa giải tỏa vướng mắc cho NNT kịp thời, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho DN.

          Toàn ngành tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội để tương tác, hỗ trợ chuyên sâu từng lĩnh vực cho NNT; điển hình là các buổi hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế (TNCN, TNDN) bằng hình thức Livestream trên Fanpage Facebook vào tháng cao điểm quyết toán thuế, ngành thuế ưu tiên, dồn toàn lực cho chuỗi hoạt động “Đồng hành cùng tổ chức, DN, cá nhân thực hiện QTT”, theo đó, căn cứ vào đặc điểm các nhóm người nộp thuế (NNT) thuộc địa bàn quản lý, xây dựng chương trình hỗ trợ NNT trong các tháng cao điểm QTT; thông báo thời gian, địa điểm, nội dung hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của Cục thuế và trên phương tiện thông tin đại chúng để NNT biết và tiếp cận hiệu quả phương thức hỗ trợ của cơ quan thuế. Điểm mới phải kể đến trong công tác TTHT của Cục Thuế là việc xây dựng “Sổ nhật ký thuế điện tử” – hình thức sổ tay điện tử thiết kế một cách nhỏ gọn, nhưng đầy đủ các thông tin về chính sách thuế mới nhất nhằm giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và giúp người nộp Thuế hiểu sâu hơn, kịp thời hơn về chính sách Thuế. Đồng thời, NNT có thể đặt câu hỏi trực tiếp, theo dõi nội dung trả lời, tham vấn và áp dụng các tình huống tương tự một cách thuận lợi.

         - Cục Thuế Bình Định luôn hướng đến sự tuân thủ tự nguyện của NNT. Những năm qua, đơn vị đã chủ động đưa thông tin về thủ tục thuế, chính sách thuế và công khai cho NNT biết, thực hiện. Đồng thời liên tục “chạy” các ứng dụng để rà soát, kết xuất ra lỗi của NNT, sau đó cảnh báo lỗi trên các kênh truyền thông của Cục Thuế, giúp NNT biết, tự sửa sai và tuân thủ pháp luật thuế một cách tự nguyện. Đặc biệt với việc vận hành Cổng giao tiếp cùng 2 ứng dụng: Ứng dụng bản đồ số hộ kinh doanh và Ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản đảm bảo mọi ý kiến phản ánh, đóng góp liên quan đến công tác quản lý thuế hộ kinh doanh và quản lý thuế đối với khoáng sản của người dân, doanh nghiệp cho đến chính quyền đều được đơn vị giải quyết kịp thời.

Đồng thời, Với việc công khai rộng rãi, tối đa các sai phạm của NNT, Cục Thuế đã thúc đẩy thành công tinh thần tự giác, tự nguyện chấp hành pháp luật thuế. Thể hiện qua số liệu sau: Tỷ lệ nộp thuế bình quân các ngành nghề trong năm 2022 tăng trưởng 37,2% so với năm 2020 và tăng 27,7% so với năm 2021; Có 1.300 DN khai tăng số thuế TNDN phải nộp năm 2021 so với 2020, với số tiền 204 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ thuế, phí/tổng thu ngân sách năm 2022 giảm 2,9% so với năm 2021, với số nợ giảm tuyệt đối là 395 tỷ đồng.

         - Phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra: việc giao tiếp giữa NNT và cơ quan thuế chủ yếu trên không gian số đã phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, qua đó, làm lành mạnh môi trường thực thi pháp luật thuế, đồng thời góp phần lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh tỉnh nhà.

- Bên cạnh việc truyền tải các chính sách thuế, Cục Thuế chủ động gửi Thư ngỏ kèm Phiếu khảo sát điện tử đến từng NNT quản lý trên địa bàn để vừa nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, vừa tiếp nhận phản hồi của NNT đối với sự phục vụ của cơ quan thuế. Đây là thước đo sự tiến bộ và hiệu quả của cơ quan thuế trong công tác phục vụ, hỗ trợ NNT.

* Đối thoại: Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi dưới mọi hình thức với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách để tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc theo đúng quy định, đúng thẩm quyền.

- Mở rộng đối thoại NNT bằng hình thức trực tuyến, các buổi đối thoại đều được ghi hình và lưu tại các nền tảng xã hội của Cục Thuế để NNT dễ dàng tra cứu, tham khảo.

- Đối thoại bằng hình thức hỏi đáp chính sách thuế thông qua Cổng giao tiếp điện tử Cục Thuế thực hiện thống nhất trong toàn ngành thuế Bình. Theo đó, NNT và cơ quan Thuế  thực hiện gửi và trả kết quả bằng văn bản điện tử qua Cổng giao tiếp điện tử.

* Thúc đẩy triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi số của ngành:

- Triển khai ứng dụng “eTax Mobile” dành cho cá nhân, hộ kinh doanh: các nghĩa vụ về thuế, nghĩa vụ tài chính về đất đai, lệ phí trước bạ,… đều được thực hiện bằng phương thức điện tử; theo đó, điện tử hóa 100% công tác quản lý thuế hộ kinh doanh, tiến đến xỏa bỏ các đơn vị Ủy nhiệm thu thuế.

- Tổ chức Chương trình lựa chọn “Hóa đơn may mắn” với cơ cấu giải thưởng 90 triệu đồng/kỳ mở thưởng nhằm thúc đẩy thói quen lấy hóa đơn của người tiêu dùng và ý thức xuất hóa đơn của các cơ sở kinh doanh; góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số của tỉnh nhà ở cả 3 trụ cột: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

- Rà soát, mở rộng đối tượng và sẵn sang các điều kiện áp dụng HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

Cải cách hành chính cộng với số hóa toàn diện phương thức quản lý thuế đem lại nhiều lợi ích thiết thực: Tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế; Phòng ngừa các sai phạm về thuế cho doanh nghiệp; Giao tiếp giữa NNT và cơ quan thuế chủ yếu trên không gian số đã phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra. Qua đó, làm lành mạnh môi trường thực thi pháp luật thuế, đồng thời góp phần lành mạnh hóa môi trường sản xuất kinh doanh tỉnh nhà.

* Mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, quản lý chặt chẽ nguồn thu, quản lý thu nợ thuế; giảm số tiền nợ thuế xuống dưới mức 5% tổng thu NSNN.

Nhằm đáp ứng yêu cầu tăng nguồn lực nội tại để phục vụ đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu ngành thuế phải thực hiện thu đúng, thu đủ, thu văn minh; đồng thời phải tăng thêm nguồn thu nội địa 2.000 tỷ đồng so với dự toán ngân sách đã được Bộ Tài chính giao cho tỉnh. Theo đó, việc mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, quản lý chặt chẽ nguồn thu, quản lý thu nợ thuế chính là nhiệm vụ trọng tâm cần thúc đẩy; đối với nội dung này, Cục Thuế tập trung vào những giải pháp sau:

- Toàn ngành dồn mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu ngay từ đầu năm: Tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý thu, bám sát địa bàn, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo để đôn đốc NNT kê khai sát với thực tế phát sinh; tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực còn thất thu và những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, kết hợp với kiểm tra sau hoàn thuế; đồng thời tập trung đôn đốc, huy động nhanh và kịp thời các khoản thu vào NSNN. Cụ thể các nguồn thu:

(1) Từ thuế TNDN của năm 2022 (tạm nộp và 20% còn lại sau quyết toán) và gia hạn nộp thuế còn nợ: thông qua công tác hỗ trợ quyết toán thuế, động viên doanh nghiệp nộp triệt để trong quý I/2023;

Đối với thuế TNDN tạm nộp năm 2023: sẽ tính toán, đôn đốc số tạm nộp theo tỷ lệ lãi của BCTC năm 2022 (sau điều chỉnh); trong đó lưu ý các ngành/lĩnh vực tăng trưởng nóng trong năm 2022, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, dăm gỗ, viên nén,....

(2) Từ Báo cáo tài chính, hồ sơ khai thuế và các ứng dụng CNTT: sau khi có Quyết toán thuế năm 2022, toàn ngành tập trung phân tích tại trụ sở cơ quan thuế để cảnh báo NNT rà soát, khai điều chỉnh và nộp bổ sung.

(3) Nguồn phát sinh thường xuyên từ thuế GTGT, thuế Tài nguyên, phí BVMT, thuế TTĐB,…: nắm chắc kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; theo đó thông qua công tác giám sát kê khai, thường xuyên rà soát, đối chiếu doanh thu, số thuế kê khai với dữ liệu hóa đơn, so sánh với kế hoạch và cùng kỳ để dự kiến số thu, đôn đốc NNT kê khai, nộp kịp thời.

(4) Nguồn phát sinh một lần từ chuyển nhượng doanh nghiệp, vốn, cổ phần, dự án, nhà xưởng, bất động sản, đất đai,…: thường xuyên theo dõi, phối hợp các cơ quan chức năng để quản lý thu kịp thời ngay khi phát sinh.

(5) Nguồn phát sinh từ các công trình, dự án xây dựng: tăng cường thu thập thông tin về tiến độ thực hiện/giải ngân để chỉ đạo các đơn vị chủ quản và các đơn vị nơi có công trình/dự án bám sát, thu kịp thời.

Đối với các dự án bất động sản: thường xuyên khảo sát thực tế, thu thập thông tin về tình hình kinh doanh các sản phẩm của dự án; qua đó rà soát, yêu cầu doanh nghiệp tạm nộp ngay thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định.

(6) Nguồn mới phát sinh từ các doanh nghiệp hết ưu đãi miễn, giảm hoặc ưu đãi không đúng quy định; các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động: thường xuyên rà soát các điều kiện ưu đãi, thời gian ưu đãi để cảnh báo doanh nghiệp thực hiện rà soát, điều chỉnh; đồng thời nắm chắc các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động để dự kiến, đôn đốc số thu kịp thời vào NSNN.

- Đối với công tác đôn đốc, xử lý nợ đọng: toàn ngành tập trung rà soát, áp dụng các biện pháp xử lý nợ để thu triệt để số thuế có khả năng thu, đồng thời hạn chế tối đa nợ mới phát sinh; đảm bảo giảm số tiền nợ thuế xuống dưới mức 8% tổng thu NSNN theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.


Tác giả: Cục trưởng Cục Thuế Bình Định
Nguồn:binhdinh.gdt.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật