|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai tiêm vắc-xin Quinvaxem trở lại: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ

Bằng mọi biện pháp, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ là chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng tại hội nghị triển khai tiêm vắc-xin Quinvaxem, được Sở Y tế tổ chức hôm 15.11.

Tiêm vắc-xin cho trẻ tại một điểm tiêm thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở TP Quy Nhơn.


Sau 5 tháng ngưng sử dụng, từ tháng 11.2013, vắc-xin Quinvaxem (vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) tiếp tục được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở tỉnh ta. Nhiều vấn đề quan trọng được đặt ra đối với ngành Y tế trong thời điểm được cho là rất nhạy cảm này.

Tại hội nghị, ông Lê Quang Hùng chỉ ra 3 thách thức của ngành Y tế tỉnh ta khi triển khai tiêm trở lại vắc-xin Quinvaxem. Sau những thông tin về tai biến sau tiêm chủng, người dân vẫn chưa thật sự yên tâm, thậm chí là hoang mang. Tâm lý hoang mang dễ dẫn đến phản ứng cáu gắt nếu nhân viên y tế có sai sót dù rất nhỏ trong quy trình tiêm lẫn tư vấn. Bên cạnh đó, thực tế từ các địa phương đã triển khai tiêm trở lại vắc-xin Quinvaxem cho thấy, nguy cơ xảy ra tai biến vẫn chưa giảm.

Tính đến trước đợt tiêm chủng tháng 11, toàn tỉnh có 35.049 trẻ cần tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trong đó, có 14.716 trẻ cần tiêm mũi 1; 9.922 trẻ cần tiêm mũi 2; 10.411 trẻ cần tiêm mũi 3. 

Cuối cùng là khó khăn về nhân lực. Quy định không được tiêm quá 50 trẻ/buổi/bàn tiêm và người tiêm phải có giấy chứng nhận được tập huấn tiêm chủng còn hạn sử dụng đã “làm khó” các cơ sở y tế ở tất cả các tuyến. Bởi sau 5 tháng ngừng tiêm, số trẻ “dồn ứ” rất lớn, trong khi nhân lực lại có hạn. “Lượng trẻ cần tiêm quá lớn, dẫn đến quá tải, đông đúc, dễ làm cho người tiêm mệt mỏi, làm không kỹ” - thạc sĩ Hùng lo ngại.

Tuy nhiên, vẫn có những thuận lợi nhất định. Trước đợt tiêm này, toàn tỉnh đã tổng kiểm tra, rà soát công tác an toàn tiêm chủng, “cày đi xới lại” từng điểm tiêm trong một đợt “tổng động viên” chung của ngành Y tế cả nước. Ông Lê Quang Hùng khẳng định, đến thời điểm này, tất cả các điểm tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở tỉnh ta đã đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, thực tế từ 15 tỉnh, thành đã triển khai tiêm Quinvaxem trở lại từ tháng 10.2013 đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm.

Từ tình hình đó, yêu cầu được đặt ra là phải siết chặt quy trình trước, trong và sau tiêm. Ngay từ bây giờ, tất cả các điểm tiêm đều phải lập kế hoạch tiêm, trong đó quan trọng nhất là “chốt” số lượng và lên lịch tiêm chi tiết, thông báo rộng rãi. Trước khi tiêm, nhất thiết phải khám sàng lọc cho 100% số trẻ, tất cả các trường hợp sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng nặng… cần dừng tiêm. Sau tiêm, nếu xảy ra tai biến, trạm y tế thực hiện cấp cứu tại chỗ, sau đó gọi cho trung tâm y tế để đưa xe cấp cứu xuống đón bệnh nhân.

Với các bệnh viện, trung tâm y tế, cần chú trọng hoạt động của khoa Khám và khoa Nhi trong thời gian tiêm chủng. Với trẻ xảy ra phản ứng được đưa vào viện, nhất thiết phải khám kỹ, nên cho nhập viện để theo dõi chặt chẽ, thực hiện chế độ chăm sóc và tư vấn đặc biệt.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã nhận số vắc-xin Quinvaxem mới từ Bộ Y tế để chuyển cho các địa phương. Đối với vắc-xin Quinvaxem còn tồn, số có vỏ bị mốc thì tiêu hủy, số còn lại bảo quản riêng, tuyệt đối không để lẫn với số vắc-xin mới nhận.

“Đến thời điểm này, tất cả các điểm tiêm chủng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở tỉnh ta đã đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, thực tế từ 15 tỉnh, thành đã triển khai tiêm Quinvaxem trở lại từ tháng 10.2013 đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm”

Phó Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG

Ông Bùi Ngọc Lân cho biết, từ kinh nghiệm của nhiều địa phương khác, nên tổ chức tiêm riêng Quinvaxem để thuận tiện cho theo dõi, xử trí các trường hợp có phản ứng; cần “rải” đối tượng để đảm bảo đúng số lượng và quy trình tiêm. “Những phản ứng sau tiêm Quinvaxem không chỉ xảy ra trong 30 phút sau tiêm, có khi cả ngày sau mới thấy. Vì thế, nhân viên y tế phải hướng dẫn thật kỹ cho người nhà cách theo dõi trẻ những ngày sau tiêm. Đồng thời, người nhà cũng phải quan tâm hơn đến khâu chăm sóc trẻ trong thời gian sau tiêm”, ông Lân lưu ý.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “hậu cần” khác cũng được đề cập, với mục tiêu giải quyết mọi vấn đề tồn đọng trước thời điểm tiêm. “Thời gian chờ sau tiêm ít nhất phải 30 phút. Tuy nhiên, rất khó kiểm soát yêu cầu này. Tiêm thuốc đau nên trẻ khóc quấy, nhiều người lại không đủ kiên nhẫn “ngồi không” để chờ. Nếu có thể, nên bố trí tivi cho bà con xem trong thời gian chờ đợi”, ông Lê Quang Hùng gợi ý.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ Đỗ Văn Hoàng đề nghị tuyến trên hỗ trợ trong công tác tập huấn cho cán bộ tiêm chủng. Đồng thời, nêu khó khăn trong việc mua sắm ghế ngồi trang bị cho các điểm tiêm để phục vụ người dân. Ông Bùi Ngọc Lân cho rằng, nhân lực của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không đủ để trực tiếp tổ chức, nhưng sẽ cử người tham gia hỗ trợ khi có lớp tập huấn tiêm chủng cho cán bộ cơ sở. Đồng thời, ông Lân cũng nhấn mạnh, các điểm tiêm chủng cần thực hiện ngay việc công khai số điện thoại của người có trách nhiệm.

 

3 điểm cần lưu ý đối với phụ huynh:

* Đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

* Thông báo với nhân viên y tế đầy đủ, chính xác tình hình sức khỏe, tiền sử bệnh tật của trẻ.

* Giữ trẻ ở lại điểm tiêm 30 phút sau tiêm, theo dõi chặt trong những ngày đầu sau tiêm.

 

 

4 mục tiêu chính của đợt tiêm chủng tháng 11.2013:

* Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người được tiêm chủng, không đặt nặng tỉ lệ tiêm.

* Đảm bảo đúng quy trình chuyên môn, sẵn sàng dừng tiêm nếu điểm tiêm không đạt yêu cầu.

* Phát hiện sớm và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng, tai biến sau tiêm.

* Đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát ở từng điểm tiêm.

 


Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật