A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Lão đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, các cấp chính quyền huyện An Lão đã chú trọng triển khai thực hiện đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với thế mạnh địa phương. Qua đó, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nhiều biện pháp hỗ trợ

Tháng 11.2024, gia đình chị Đinh Thị Diên, 27 tuổi, người H’re, ở thôn 4, một trong những hộ nghèo, cận nghèo ở xã An Quang được tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò vỗ béo chất lượng cao tại xã An Quang do Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão làm chủ dự án (Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025). Theo đó, chị Diên được hỗ trợ 2 con bò đực giống Zebu (18 triệu đồng/con) để chăn nuôi, vỗ béo. Cùng với việc được cấp thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, chị còn được hướng dẫn cách thức chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò…

Nhờ được hỗ trợ bò theo dự án liên kết, gia đình chị Đinh Thị Diên (bìa phải, ở thôn 4, xã An Quang) có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Ảnh: D.Đ   

Chị Diên cho biết: “Sau khi nhận bò về nhà, tôi chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y, địa chính - nông nghiệp xã, nhờ đó bò lớn nhanh trông thấy. Khi đạt trọng lượng theo tiêu chuẩn của dự án, tôi sẽ bán bò và mua thêm bò giống mới để nuôi vỗ béo, tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Bà Phan Thị Thành Lũy, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã An Quang, cho hay: Hiện trên địa bàn xã đã có 4/5 hộ tham gia Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò vỗ béo chất lượng cao đã thoát nghèo. Ngoài ra, xã còn giới thiệu nhiều lao động tham gia các lớp đào tạo nghề sơ cấp về trồng rau, may công nghiệp, sau khi kết thúc khóa học, các học viên đã tự xin được việc làm, phát triển kinh tế gia đình, có thêm nguồn thu nhập ổn định, thoát được diện hộ nghèo, cận nghèo.

Còn tại xã An Toàn, thực hiện Dự án liên kết trồng, chế biến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại từ cây dược liệu đương quy của HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn (thuộc Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025), có 24 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo là người dân tộc Bana và H’re ở thôn 1 cùng tham gia liên kết và trồng được hơn 2,2 ha cây dược liệu.

Tính đến đầu tháng 2.2025, HTX đã bao tiêu và thu hoạch cho các hộ liên kết gần 35 tấn cây đương quy tươi, góp phần giúp các hộ có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Đặc biệt, đã có 7 hộ tham gia dự án thoát nghèo, vượt mục tiêu đề ra (5 hộ).

Ông Đinh Văn Trầm (51 tuổi, dân tộc Bana, ở thôn 1) chia sẻ: “Trước đây, người dân chúng tôi chỉ trồng bắp, lúa, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi được cán bộ xã và HTX định hướng, tôi cùng nhiều gia đình trong thôn đăng ký tham gia dự án trồng cây dược liệu đương quy và gia đình đã trồng trên 4 sào đất. Nhờ cán bộ HTX hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra, năm nay thu hoạch đương quy, gia đình tôi thu lãi gần 60 triệu đồng, thoát nghèo hiệu quả”.

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Theo UBND huyện An Lão, thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy, chính quyền trong huyện đặc biệt quan tâm, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đồng thời, nhờ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021 đến nay, huyện An Lão được phân bổ nguồn kinh phí phát triển sản xuất hơn 18,3 tỷ đồng.

Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với các địa phương trong toàn huyện thực hiện trên 90 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gồm: 4 dự án liên kết nuôi bò vỗ béo tại các xã An Tân  - thị trấn An Lão, An Hòa - An Quang, An Trung - An Hưng; 3 dự án trồng cây dược liệu đương quy, địa hoàng, thìa canh tại xã An Toàn, An Dũng; 78 dự án hỗ trợ cho 1.001 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số với 1.829 con heo, 22.118 con gà, 694 con trâu, bò giống, 124 con dê giống, hàng nghìn cây giống ăn quả các loại… Kết quả, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện An Lão giảm đáng kể, bình quân hằng năm giảm 9,42% vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra (6 - 7%).

An Lão đề ra chỉ tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều cuối năm 2025 còn 8,93%, giảm 5% so với năm 2024, với 487 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Ông Trịnh Xuân Long, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện sẽ chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân, tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, tránh tái nghèo...

 


Tác giả: DUY ĐĂNG
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật