|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Lão: “Trợ lực” phát triển kinh tế nhờ vốn vay giải quyết việc làm

Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH An Lão đã triển khai hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã có vốn khởi nghiệp, lập nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Được ủy thác qua kênh hội phụ nữ, vợ chồng anh Alê-Muel (SN 1992, dân tộc H’re, ở thôn 4, xã An Nghĩa) được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng CSXH huyện. Cùng với phần tích lũy của gia đình, anh chị mua 3 con bò, 2 con trâu để phát triển chăn nuôi. Được cán bộ thú y ở xã hướng dẫn chu đáo, anh chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn trâu, bò sinh trưởng tốt và phát triển lên đến 15 con; mỗi năm anh xuất bán ra thị trường 5 con trâu, bò, thu về trên 80 triệu đồng.

Anh Alê-Muel chia sẻ: “Trước đây, kinh tế của gia đình phụ thuộc vào việc đi làm thuê của hai vợ chồng, nhưng từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình tôi được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện phát triển chăn nuôi. Từ số tiền bán trâu, bò, chúng tôi có điều kiện trả lãi ngân hàng, sửa chữa nhà, trồng thêm gần 3 ha keo lai, hiện kinh tế của gia đình khá hơn rất nhiều so với trước”.

Bà Đinh Thị Thọ, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn Chi hội Phụ nữ thôn 4, cho biết đến nay, tổng dư nợ vốn chương trình GQVL của Tổ đạt trên 580 triệu đồng, với 7 hộ vay để phát triển sản xuất. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, Tổ thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như chia sẻ nhiều cách làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho các hộ, cùng giúp nhau phát triển kinh tế.

Cán bộ Hội Nông dân xã An Nghĩa và cán bộ Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra mô hình chăn nuôi trâu của hộ dân ở thôn 4. Ảnh: T.C

Xã An Hòa là địa phương ở huyện An Lão có tỷ lệ giải ngân vốn vay chương trình GQVL cao. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình đạt hơn 54,5 tỷ đồng, với 784 hộ vay vốn. Nguồn vốn này đã hỗ trợ đắc lực cho các hộ vay có điều kiện phát triển ngành nghề, chăn nuôi, trồng rừng, nhất là tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang “trồng cây, nuôi con” hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như gia đình ông Huỳnh Tấn Bình (SN 1984, ở thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa), năm 2022, sau khi được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, ông đã vay 80 triệu đồng từ chương trình GQVL mua 3 cặp chồn hương giống và cải tạo lại chuồng trại để nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, ông đang nuôi 9 con chồn sinh sản; bình quân mỗi năm chồn mẹ sinh 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. Từ đó, ông bán ra thị trường mỗi năm trên dưới 17 cặp chồn giống với giá từ 6 - 7 triệu đồng/cặp, thu lãi gần 100 triệu đồng.

Theo Ngân hàng CSXH huyện, xác định vốn vay GQVL là một trong những chương trình quan trọng, ngân hàng đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, thực hiện rà soát nhu cầu vốn vay, giải ngân nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng. Tính đến nay, tổng dư nợ của chương trình đạt 93,97 tỷ đồng với 1.370 hộ vay vốn để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất.

Theo ông Trịnh Xuân Long, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện, đầu năm 2025, UBND huyện đã bố trí hơn 3,7 tỷ đồng vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH huyện, giúp các hộ dân có điều kiện vay thêm nhiều chương trình, trong đó có chương trình GQVL. Cùng với đó, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các hội, đoàn thể tích cực tư vấn cho bà con lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; chuyển giao các tiến bộ KHKT và hỗ trợ giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển KT-XH ở các địa phương.

Ông Lê Văn Quy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện An Lão, cho biết thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục kiến nghị UBND huyện quân tâm chuyển thêm vốn ủy thác sang ngân hàng để tăng vốn vay; tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác bình xét, thẩm định kỹ các dự án cho vay, bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng. Đồng thời, tuyên truyền để người dân sử dụng đúng mục đích, thực hiện trả lãi, gốc đúng kỳ hạn; từ đó quay vòng vốn, tạo thêm nhiều cơ hội vay vốn mới cho người lao động có nhu cầu, bảo đảm giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.


Tác giả: TRIỀU CHÂU
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật