|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chú trọng tập huấn khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất đậu phộng

Đồng hành cùng với nông dân, những năm gần đây, xã Bình Thuận luôn tích cực tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây đậu phộng; giúp nâng cao năng suất, chất lượng đậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Đậu phộng của gia đình ông Thanh thu hoạch với năng suất, chất lượng đạt cao

Ông Trần Văn Thanh, thôn Hòa Mỹ, xã Bình Thuận: Gia đình tôi đã trồng cây đậu phộng từ 10 năm nay, nhưng trước đây chủ yếu làm theo kinh nghiệm, bón rất nhiều loại phân nên chi phí rất cao; bên cạnh đó, cây đậu hay bị héo xanh, chết yểu, không kịp trở tay. Nay được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT) do xã tổ chức, nên đã biết cân đối lượng phân, thời gian bón phân theo quy trình, đồng thời biết cách sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân chuồng và vôi bột để bón cho đất trước khi xuống giống, hạn chế nấm gây bệnh trên cây đậu phộng rất hiệu quả. Khi ứng dụng KHKT, trên 1 sào đất, ông tiết giảm khoảng 500 ngàn đồng tiền phân bón, nước tưới và công lao đông, từ 2,5 triệu đồng/sào, giảm còn 2 triệu đồng/sào. Trước đây, chỉ sản xuất diện tích chừng 25 - 30 sào nhưng khi đã nắm được KHKT trong tay, gia đình tôi đã mạnh dạn đấu giá thêm 40 sào đất để trồng cây đậu phộng. Kết quả, đất vườn đậu đạt năng suất 270 - 280 kg đậu khô /sào, đất gò đồi cũng cho năng suất cao không kém, tầm 220 kg đậu khô/sào. Cùng với đó giá cả đậu năm nay cũng tăng cao, dao động từ 24.000 - 30.000 đồng/ kg tùy chất lượng đậu, như đậu của gia đình tôi vừa bán với giá 27.000 đồng/ kg, được mùa lại được giá.
Mới chỉ sản xuất đậu vài năm gần đây, nhưng chị Lục Thị Bích Trâm, thôn Thuận Hạnh đã nhận thấy rõ sự khác biệt ứng dụng KHKT vào sản xuất. Trước đây để tưới 3 sào đậu phộng, chị phải mất cả nửa ngày; tưới thiếu nước thì cây cho năng suất thấp hoặc chết héo đã đành, nhiều khi tưới dư nước cũng khiến cây đậu bị nấm gốc, thối trái; vừa lãng phí vừa mất công. Giờ đây, ngoài việc biết lắp ráp, ứng dụng hệ thống béc phun nhỏ tưới cho đậu phụng, tôi còn biết kỹ thuật kiểm tra độ cần nước của cây đậu phộng để đảm bảo tưới đủ, tưới hiệu quả cho cây, vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm nước.
Bình Thuận hiện được xem là “thủ phủ” đậu phộng của huyện Tây Sơn. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận: Vụ Đông Xuân năm nay, xã Bình Thuận sản xuất 818 ha đậu phụng, tăng 27 ha so với năm 2022. Vừa qua, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tây Sơn tổ chức 12 lớp tập huấn KHKT sản xuất cây đậu phộng đầu vụ và giữa vụ cho hơn 600 nông hộ ở địa phương. Các lớp tập huấn chú trọng hướng dẫn người dân về quy trình trồng đậu phụng áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, quản lý sâu bệnh hại theo nguyên tắc IPM, đặc biệt là việc tích cực sử dụng chế phẩm Trichoderma để sản xuất phân bón hữu cơ vừa giảm được chi phí đầu tư cho phân bón vừa nâng cao chất lượng cho hạt đậu phụng. Qua thu hoạch trà đầu năng suất đạt 43,9 tạ/ha, tăng 4,4 tạ/ ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Giá bán đậu bình quân khoảng 26.000 đồng/kg đậu khô. Với giá bán này, người dân có thể có lãi trên 60 triệu đồng/sào. Đây có thể được xem là vụ đậu đại thắng của người dân xã Bình Thuận.


Tác giả: Minh Ngọc
Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật