Hiểu rõ, phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín
Toàn tỉnh hiện có 121 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, đội ngũ người có uy tín đã chung sức, tích cực hỗ trợ chính quyền các cấp vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, chung tay xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Vì sự phát triển của thôn, làng
Về làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) hỏi thăm ông Thạch Văn Liềm (SN 1980, dân tộc Chăm) hầu như ai cũng biết, bởi ông là người có uy tín luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân và có những đóng góp quan trọng vào sự thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của làng.
Ông Thạch Văn Liềm (bìa phải) vận động người dân hiến đất, cây trồng, giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh. Ảnh: D.Đ
Ngay khi được người dân tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín năm 2009 và giữ vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn làng, ông Liềm cùng với ban quản lý làng vận động, hỗ trợ để 60 hộ dân được vay từ ngân hàng CSXH tổng số tiền trên 3,5 tỷ đồng phát triển trồng keo lai, nuôi bò; kết quả có 57 hộ dân đã thoát nghèo.
Anh Lê Văn Ảnh (SN 2000, dân tộc Chăm, ở làng Hiệp Tiến) cho biết, nhờ ông Liềm vận động, anh vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để trồng 4 ha keo lai, nuôi 4 con bò cái, có thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng và đã thoát nghèo.
Bên cạnh giúp người dân phát triển kinh tế, ông Liềm còn phối hợp vận động người dân tự nguyện hiến đất và cây trồng, giải phóng mặt bằng thi công các tuyến đường trong làng, đường phía Tây huyện Vân Canh; tham gia hòa giải thành công 14 vụ mâu thuẫn trong khu dân cư; xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư…
Được nhân dân bầu làm người có uy tín từ năm 2023 đến nay, ông Đinh Pong (SN 1964, dân tộc Bana, ở thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) là một minh chứng về vai trò gắn kết cộng đồng ở dân cư. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại suối Tà Má, ông Pong cùng ban quản lý làng đã vận động các hộ dân cùng hợp tác xây dựng trên 100 chòi nghỉ dọc theo hai bên suối, cho khách du lịch thuê; tận dụng nhà sàn cho khách thuê ở lại ban đêm, tạo nguồn thu nhập mới.
Chị Đoàn Thị Mỹ Kiên (SN 1993, dân tộc Chăm, ở thôn Hà Ri) cho hay: “Được ông Pong vận động, gia đình tôi và 5 gia đình trong thôn cùng xây dựng một chòi cho khách du lịch thuê vui chơi ở suối Tà Má. Ngoài ra, tôi tận dụng nhà sàn của gia đình để cho khách thuê làm nơi lưu trú qua đêm, đang hướng đến việc cung cấp thêm dịch vụ ăn uống, hướng dẫn du lịch, quà lưu niệm cho du khách”.
Tiếp tục phát huy tốt vai trò người có uy tín
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo, toàn tỉnh hiện có 121 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhằm tiếp tục phát huy tốt vai trò của lực lượng này, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách như biểu dương, tặng quà, thăm hỏi lúc ốm đau, cấp phát Báo Bình Định và Báo Dân tộc & Phát triển, cung cấp các thông tin kịp thời cho người có uy tín.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt cho hay, trên địa bàn huyện có 28 người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Huyện luôn tạo điều kiện cho đội ngũ này phát huy vai trò, sở trường của mình đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là tham gia góp ý kiến xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Đội ngũ người có uy tín đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò trên các lĩnh vực công tác, không để tập tục lạc hậu tồn tại, người dân tự giải quyết các mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở, giữ bình yên cho cuộc sống ở các thôn, làng, khu phố, phát triển KT-XH, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho rằng: Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân cư.