A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không chủ quan với bệnh dại

Bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi rút dại (Rabies). Vi rút dại xuất phát từ động vật có vú, truyền nhiễm sang cơ thể người dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh không phát hiện và can thiệp điều trị có nguy cơ tử vong cao.

Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương… Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài… thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Cần vệ sinh vết thương bằng cách tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Sau khi vệ sinh vết thương, nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông. Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị động vật (chó, mèo…) cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại
vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

Bệnh dại rất nguy hiểm. Người nuôi chó, mèo cần có trách nhiệm tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chúng. Giữ giấy chứng nhận tiêm phòng và xuất trình trong thời gian tiêm phòng hằng năm. Người nuôi không thả rông chó, khi dắt chó ra ngoài phải đeo rọ mõm và có dây xích, kể cả khi chúng đã được tiêm phòng. Phải thường xuyên tẩy giun sán cho chó con và chó trưởng thành trước khi tiêm phòng.

Bệnh dại là bệnh rất nguy hiểm với nguy cơ tử vong là 100%. Không nên chủ quan khi bị động vật cắn dù chỉ trầy xước nhẹ. Vết thương cần được sơ cứu đúng cách và phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý đúng cách. Ngay cả khi chó, mèo đã được tiêm phòng, người bị cắn vẫn phải tới các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.


Tác giả: MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật