|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh khai thác, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển công dân số, xã hội số và kinh tế số trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang được triển khai một cách đồng bộ và toàn diện, tỉnh Bình Định xác định việc khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, giữ vai trò nền tảng trong xây dựng chính quyền số, phát triển công dân số, xã hội số và kinh tế số trên địa bàn

Với quyết tâm chính trị cao và sự chỉ đạo sát sao từ các cấp lãnh đạo, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai nhiều nhóm tiện ích ứng dụng dữ liệu dân cư gắn với định danh và xác thực điện tử. Những nỗ lực này bước đầu đã mang lại kết quả rõ nét, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên số, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như:

- Nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến: đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở sử dụng, xác thực, chia sẻ thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. 100% thủ tục hành chính được kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư; xác thực thông tin định danh công dân. 104 thủ tục khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tự động điền các trường dữ liệu vào các biểu mẫu điện tử tương tác. Triển khai thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của các cấp, các ngành và Nhân dân. Trong đó, đặc biệt là 2 nhóm thủ tục liên thông “khai sinh, khai tử” theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP (Bình Định là một trong 10 địa phương triển khai sớm nhất cả nước)

- Nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội: đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác. Phát triển, hoàn thiện và triển khai hiệu quả ứng dụng di động công dân số từ VNEID trên cơ sở mở rộng tích hợp các thông tin, dịch vụ y tế, bảo hiểm, giấy phép lái xe, ngân hàng, thanh toán điện tử, thủ tục hành chính, ứng cứu khẩn cấp, phản ánh hiện trường, tố giác tội phạm,… 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ sử dụng thẻ Căn cước/VNeID.

- Nhóm tiện ích phục vụ công dân số: 100% công dân đủ điều kiện được cấp thẻ Căn cước (1.446.956/1.456.389 công dân có thẻ Căn cước), cấp tài khoản VneID (1.256.860/1.456.389 công dân có tài khoản VNeID). Đẩy mạnh khuyến khích người dân sử dụng chữ ký số và các tiện ích số để thực hiện các giao dịch hành chính và dịch vụ công, góp phần hình thành thói quen sử dụng dịch vụ số, nâng cao năng lực số cho công dân. Xác định mục tiêu xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ Căn cước như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn,… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật.

- Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư: hoàn thiện kết nối và khai thác hiệu quả giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, thường xuyên tổ chức rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, kịp thời phục vụ quản lý dân số, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bằng các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cơ quan, nhất là các lĩnh vực như: Tư pháp, Y tế, Giáo dục, Nội vụ, Thuế, Bảo hiểm xã hội... để tạo hệ thống dữ liệu liên thông, hỗ trợ giải quyết các thủ tục, giao dịch hành chính nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

- Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp: trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, tiến hành tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin để phục vụ việc điều hành, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, phân tích xu hướng dân số, biến động lao động và dự báo nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm dựa trên lượng khách lưu trú. Phân tích, xây dựng bản đồ số dân số, lao động phục vụ công tác quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp và các vùng nông thôn,…

Với những kết quả nổi bật đã đạt được nêu trên, tỉnh Bình Định tiếp tục hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, thống kê và khai thác dữ liệu dân cư theo những nội dung định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 17/02/2025 của Tỉnh ủy Bình Định, Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 26/02/2025 của UBND tỉnh. Dưới đây là một số giải pháp chúng ta đã, đang và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời đẩy mạnh khai thác “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” để phục vụ phát triển công dân số, xã hội số và phục vụ cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định:

Một là, đẩy mạnh các giải pháp hoàn thiện hạ tầng số và tăng cường liên thông dữ liệu, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số hiện đại, trọng tâm là đầu tư xây dựng hiệu quả Trung tâm dữ liệu tỉnh, bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành như y tế, giáo dục, tư pháp, bảo hiểm xã hội, thuế... Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý, khai thác và bảo vệ dữ liệu. Việc chuẩn hóa, làm sạch, cập nhật liên tục dữ liệu dân cư sẽ là yếu tố then chốt để bảo đảm dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”.

Hai là, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy cải cách hành chính toàn diện, hoàn thiện cung cấp các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua việc tích hợp, đồng bộ hóa với Cổng dịch vụ công tỉnh, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, chính xác nhờ vào dữ liệu đã được xác thực. Các giải pháp như khai thác thông tin CSDLQG về DC để tự động điền mẫu đơn, xác thực định danh qua thẻ Căn cước, chữ ký số, ứng dụng VNeID, chatbot và tổng đài ảo sẽ giúp cải thiện chất lượng phục vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao sự hài lòng của người dân.

Ba là, ưu tiên mục tiêu phát triển công dân số và phổ cập kỹ năng số toàn dân hướng đến mỗi người dân tỉnh Bình Định là một “công dân số”. Xác định nhiệm vụ trọng tâm là 100% công dân được cấp tài khoản định danh điện tử, từ đó làm nền tảng thúc đẩy phát triển các tiện ích số như hồ sơ y tế, học bạ, giấy phép lái xe điện tử, thanh toán không tiền mặt...và các tiện ích khác trên VNeID để người dân tiếp cận, sử dụng dễ dàng nhất. Song song đó là chương trình đào tạo kỹ năng số phù hợp với từng nhóm đặc điểm, thành phần dân cư, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi.

Bốn là, khai thác dữ liệu phục vụ điều hành thông minh và phát triển bền vững: Dữ liệu dân cư là “nguồn tài nguyên mới” giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và dự báo cho các cấp chính quyền. Thông qua phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, tỉnh có thể hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội sát với thực tiễn từng địa phương, từng nhóm dân cư. Các hệ thống bản đồ số dân cư, lao động, an sinh xã hội... sẽ được tích hợp vào quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp thông minh, từ đó góp phần xây dựng một Bình Định phát triển bền vững, hiện đại và nhân văn: Phân tích xu hướng dân số, biến động lao động và dự báo nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp, các khu du lịch trọng điểm. Phát triển du lịch thông minh trên cơ sở phân tích hành vi du khách, từ đó xây dựng chiến lược phát triển các điểm đến du lịch. Tích hợp dữ liệu dân cư với hệ thống đăng ký lưu trú điện tử, giúp quản lý du khách tốt hơn, đảm bảo an ninh trật tự. Phân tích, sử dụng dữ liệu dân cư để xây dựng bản đồ số dân số, lao động, từ đó có cơ sở quy hoạch hợp lý các khu đô thị, khu công nghiệp (Nhơn Hội, Phú Tài, Hòa Hội...) và các vùng nông thôn.

Năm là, trong bối cảnh dữ liệu là tài sản chiến lược, việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống CSDLQG về dân cư là yêu cầu sống còn. Do vậy, cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp bảo mật nhiều lớp, kiểm tra định kỳ, giám sát truy cập và xây dựng phương án ứng phó với các sự cố an ninh mạng. Xây dựng phương án, Chuẩn bị các kịch bản xử lý sự cố an ninh mạng, thiên tai, mất điện, sự cố hệ thống... nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hoạt động liên tục. Song song đó, công tác đào tạo đội ngũ chuyên trách về an toàn thông tin và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dùng cần được tăng cường nhằm xây dựng một không gian số an toàn và bền vững.

Việc ứng dụng phân tích ứng dụng dữ liệu dân cư không chỉ giúp chính quyền tỉnh Bình Định nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh trong thời kỳ chuyển đổi số. Khi các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, Bình Định sẽ từng bước xây dựng một chính quyền số hiệu quả, một xã hội số hiện đại, một nền kinh tế số phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số tại khu vực miền Trung


Tác giả: Đặng Văn Cẩn, Phòng CS QLHC về TTXH

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật