A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Ân phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, huyện Hoài Ân đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý chất thải. các xã, thị trấn chú trọng trồng cây xanh phân tán trên các tuyến đường liên xã, liên thôn để cải thiện cảnh quan, môi trường.

Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông Nguyễn Văn Bình (đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức) thường xuyên nuôi từ 100 – 150 con heo nái và heo thịt nhưng không còn để phát sinh mùi hôi khó chịu; lượng nước thải xả ra ngoài cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Có được kết quả này là nhờ gia đình ông Bình áp dụng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ từ 50 – 100 con, bằng phương pháp sinh học đơn giản do Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) triển khai trên địa bàn xã Ân Đức. Đây là phương pháp thực hiện tách cặn chất thải thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas.

Ngoài ra, nước và chất thải còn được xử lý qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Tương tự, từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (thôn Phú Thuận, xã Ân Đức) cũng không còn bị hàng xóm, láng giềng càm ràm về hoạt động chăn nuôi heo. Bởi gia đình ông đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi bằng công nghệ wetland nên không phát sinh mùi hôi, dù trong chuồng trại lúc nào cũng có hơn 100 con heo.

Mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ bằng phương pháp sinh học đơn giản giúp giảm tối đa mùi hôi và nước thải xả ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.  Ảnh: V.L

Được biết, hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi gia đình ông Kỳ áp dụng cũng tương tự mô hình xử lý bằng phương pháp sinh học đơn giản của gia đình ông Bình. Chỉ khác ở việc nước thải sau khi qua các công đoạn xử lý được cho vào hệ thống bạt ny lông để trồng cây thủy canh như môn, bèo, rau muống… làm thức ăn bổ sung cho heo.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Hoài Ân được xem là thủ phủ chăn nuôi heo của Bình Định và cả khu vực miền Trung. Tính đến tháng 1.2024, trên địa bàn huyện có hơn 10.290 hộ chăn nuôi heo. Ngoài ra, gần đây tại địa phương còn phát triển mạnh nuôi gà với hơn 13.360 hộ nuôi.

Chăn nuôi heo, gà đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giúp địa phương phát triển kinh tế; nhưng mặt trái của nó là môi trường bị ảnh hưởng không nhỏ. Để hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo cảnh quan môi trường, các phòng, ban liên quan và UBND huyện Hoài Ân triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm trong chăn nuôi.

Trong đó, huyện chú trọng ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế. Tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý, khử mùi; lắp đặt công trình khí sinh học (biogas), nhất là các công trình quy mô nhỏ phù hợp điều kiện kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, xây dựng mô hình xử lý mùi hôi chuồng trại bằng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho hay: Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn được các phòng, ban liên quan của huyện và chính quyền các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ. Các hộ chăn nuôi chủ động, tự giác xây dựng mô hình xử lý chất thải, nước thải; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, UBND các xã, thị trấn đã trồng hơn 200 nghìn cây xanh phân tán ở các tuyến đường liên xã, liên thôn và các khu vực công cộng,  tạo cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”, môi trường trong lành, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động chăn nuôi gây ra.      


Tác giả: VĂN LỰC
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật