|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khu Đông ngày ấy và bây giờ

Bẵng đi một thời gian, vào một chiều giữa tháng 3. 2024, hướng tới kỷ niệm 49 năm giải phóng quê hương, hương xuân còn phảng phất, lúa Đông Xuân đang chín vàng, chờ thu hoạch, tôi cùng một người bạn cựu chiến binh quê gốc ở Nhơn Hạnh xuôi về hạ bạn, cái túi bom của Mỹ ở chiến trường khu Đông năm xưa cực kỳ ác liệt, đến mức anh bạn thời ấy hoạt động ở vùng này vẫn còn nhớ câu ca dao: “Khu Đông gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đấy đừng mong ngày về”.

Lúc mới giải phóng, cả một vùng tam giác đông An Nhơn, đông nam Phù cát, đông bắc Tuy Phước, mà Nhơn Hạnh là tâm điểm vùng trắng hoang tàn đổ nát. Người dân từ các khu dồn về làng cũ, đứng trong khu vườn nhà mình mà không tìm được nền nhà, không còn viên gạch nguyên vẹn, không còn cái giếng nước, không nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa…điêu tàn một vùng quê trù phú “gạo trắng nước trong”, vậy mà hơn mười năm thành một vùng hoang vu, cây cỏ lút đầu.
Sau chiến dịch Đồng Khởi cuối năm 1964, đầu năm 1965, cả một mảng rộng lớn khu Đông của tỉnh, trong đó có An Nhơn được giải phóng, cùng với các xã khu Tây tạo thành một vùng giải phóng liên hoàn bao vây quận lỵ, thị trấn. Đối phương ra sức phản kích, đánh phá ác liệt có tính hủy diệt, không có loại bom đạn nào, kể cả chất độc hóa học mà địch không ném xuống khu Đông. Từ quân xâm lược nhà nghề Mỹ đến lính đánh thuê Nam Triều Tiên và quân đội Sài Gòn không thiếu quân binh chủng nào không chà qua xác lại trên mảnh đất bom cày đạn xới này. Cán bộ, du kích thì bật ra Núi Bà, Phù Cát một thời gian rồi tìm cách bám trở lại quê nhà hoạt đông, còn nhân dân phải rời bỏ ruộng vườn lên sống trong các khu dồn ở Bình Định, Đập Đá, Gò Găng…chịu cảnh gạo chợ nước sông, nhiều người tiếp tục làm cơ sở các mạng ngay trong khu dồn giữa bốn bề quân canh lính gác.
Xã nào cũng có hàng ngàn người tham gia cách mạng, hàng trăm thanh niên vào bộ đội, du kích, thanh niên xung phong trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngay trong các khu dồn, địch kiểm soát nghiêm ngặt vẫn hình thành các nhóm du kích mật, an ninh hợp pháp, tham gia tổ chức Liên Chi đoàn thanh niên Trần Văn Ơn hoạt động hợp pháp trong nội thị, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung là giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đât nước.
Kết thúc chiến tranh, xã nào cũng có từ 300- 400 liệt sĩ, hàng trăm người để lại một phần xương máu nơi chiến trường, nhiều Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cả chồng và 2- 3- 4 người con như các mẹ: Phan Thị Sáo (Nhơn An), Nguyễn Thị Nhẫn (Đập Đá), Nguyễn Thị Miển (Nhơn Hưng), Bùi Thị Bốn (Nhơn Phong), Nguyễn Thị Tuyết Thu (Nhơn Hạnh)…Ngoài ra, không ít cán bộ, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc bám trụ hoạt động và hy sinh trên mảnh đất đấy máu và nước mắt này. Bảy xã- phường khu Đông An Nhơn, gồm Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hưng, Bình Định, thì đã có 5 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Đập Đá, Nhơn Hưng (bao gồm phường Bình Định) vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Toàn thị xã có 4 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, thì khu Đông đã có 2 người, đó là  Nguyễn Bèo và Phan Năm (Hoàng Anh) đều ở Nhơn An.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, hố bom, hầm pháo đã biến thành màu xanh của lúa và cỏ cây, vết thương trên cơ thể của những thương binh có thể liền da liền thịt. Nhưng vết thương không thể nhìn thấy trên cơ thể của những cựu tù chính trị bị tra tấn trong các nhà tù đế quốc, nỗi đau của những người mẹ, người vợ có chồng con hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt và nỗi đau của những người tham gia kháng chiến và cả vợ con họ bị lây nhiễm chất độc da cam…
Chúng tôi dừng hồi lâu bên tượng đại chiến thắng cầu chữ Y, nhìn dòng nước rì rào chảy qua đập Văn Lãng mà cố hình dung nơi này năm xưa là vùng đất chết. Càng ngỡ ngàng trước sự hồi sinh nhanh chóng và đổi thay đến kỳ diệu, nhất là Nhơn Hạnh, Nhơn Phong. Nhớ lại thời gian đầu mới giải phóng, lực lượng vũ trang, công an huyện, du kích và thanh niên các xã phía tây chi viện để khai hoang vỡ hóa, tháo gỡ bom mìn, san lấp hố bom, làm thủy lợi, dựng tạm trường học, trạm xá bằng tranh tre, cả dao rựa câu liêm, xoong nồi, bát chén, thuốc chữa bệnh, giấy vở học sinh…Từng cân gạo cứu trợ của cấp trên kịp thời ổn định cuộc sống cho đồng bào từ các khu dồn mới về lại làng cũ, bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn vừa xây dựng vừa cải tạo, hợp tác hóa gắn với thủy lợi hóa, điện khí hóa nông thôn, rồi cơ giới hóa đồng ruộng, cả khu Đông dần thay đổi thịt, rồi cùng cả nước bước vào công cuộc đổi mới. Không chỉ có tâm điểm Nhơn Hạnh, niềm tự hào của quân và dân khu Đông, mà thôn xóm, phố thị nào ở các xã- phường khu Đông đều thay da đổi thịt, khoác lên màu áo mới. Cả một vùng ruộng đất mênh mông ngút ngàn, chiếm hơn một nửa diện tích lúa của thị xã, từng là vựa lúa của thị xã và cả của tỉnh luôn dẫn đều về năng suất lúa, nhất là xã Nhơn Hạnh, bình quân lương thực đầu người tên 01 tấn.
Biết rằng, nông nghiệp là bệ đỡ nền kinh tế, nhưng khu Đông không thể làm giàu bằng ruộng lúa, mà đã chọn hướng đi bằng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Có thể nói Đập Đá như là đầu tàu kinh tế cho cả vùng, bởi tỷ trọng giá trị công nghiệp và dịch vụ đến năm 2023 đã chiếm tới 98%, các xã phường khác cũng từ từ 50- 70%, xã thuần nông Nhơn Hạnh cũng đạt gần 50%.
Hơn 30 năm nay, đất lúa khu Đông đã dần nở hoa, từ cái nôi Háo Đức lan ra 5 làng mai cả xã Nhơn An, rồi Nhơn Phong, Nhơn Thành, Nhơn Hạnh…Cây mai không chỉ trồng trong vườn mà mai đã tràn ra ruộng lúa và nhiều xã đã thành lập hợp tác xã mai vàng. Cứ đến gần Tết Nguyên đán, vạn vạn chậu mai ở thủ phủ mai vàng khu Đông tỏa đi khắp nơi, mang mùa xuân đến mọi nhà trong cả nước. Đem lại nguồn thu nhập cho người trống mai hàng trăm tỷ đồng, xã Nhơn An luôn dẫn đầu về nguồn thu từ cây mai, năm nhiều 50- 70 tỷ, năm ít không dưới 40 tỷ đồng, hẳn là hơn nhiều lần so với trồng lúa, đã góp phần tích cực giảm nghèo bền vững, không ít gia đình khá giả, xây nhà đẹp, mua xe du lịch sang. Không chỉ các phường nội thị mà nhiều nơi làng đã hóa phố, bởi mạng lưới giao thông ngang dọc kết nối, nhất là quốc lộ I A, đường 19 B đi qua, khu Đông càng gần với mọi miền đất nước.   
Hiện thị xã có 5 phường nội thị, thì khu Đông đã có 4 phường là Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hung, Nhơn Thành. Hai xã Nhơn Phong, Nhơn An đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và nằm trong tóp quy hoạch lên phường (trong 11 phường cả cũ mới) khi An Nhơn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đang đến rất gần.
Ngày nay về vùng hạ bạn, ai cũng cảm nhận rằng: “Khu Đông gạo trắng nước trong/ Đã đi đến đó lòng không muốn về”. Quả là khu Đông đã và đang đi lên cùng đất nước, vì cuộc sống bình yên, mạnh giàu và hạnh phúc của Nhân dân./.


Tác giả: Trần Duy Đức
Nguồn:annhon.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật