A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoài Nhơn: Hội thảo mô hình trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma

(binhdinh.gov.vn) Sáng (11.6), Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với trạm khuyến nông huyện Hoài Nhơn tổ chức hội thảo mô hình trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma.

Mô hình này được triển khai trong vụ Hè Thu tại cánh đồng Vườn keo, thôn thành Sơn Tây, xã Hoài Châu với quy mô 2 ha, có 26 hộ nông dân tham gia, sử dụng giống lạc lì, lượng giống 10 kg lạc vỏ/sào. Qua tham quan thực tế cho thấy, việc  thâm canh lạc trên chân đất lúa chuyển đổi sử dụng chế phẩm Trichoderma đạt năng suất cao với 30,8 tạ/ha, tỷ lệ nhiễm các bệnh do nấm, khuẩn gây ra giảm 14% so với đối chứng, góp phần cải tạo đất. Về hiệu quả kinh tế, đạt lợi nhuận gần 1,1 triệu đồng/sào/vụ tăng hơn 830 nghìn đồng/sào/vụ so với ruộng trồng lạc đối chứng và tăng hơn 880 nghìn đồng/sào/vụ so với ruộng lúa ngoài mô hình trên cùng cánh đồng.

Tại Hội thảo, Trạm khuyến nông huyện Hoài Nhơn đề nghị Trung tâm KN – KN tỉnh có kế hoạch đưa nhiều mô hình khuyến nông về thâm canh lạc có sử dụng Trichoderma trên đất lúa chuyển đổi tại các vùng sản xuất quy hoạch cây trồng cạn trong huyện, tạo điều kiện hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật, kinh phí xây dựng mô hình để nhân ra diện rộng. UBND các xã cần quy hoạch vùng và có chính sách chuyển đổi cơ cấu trồng lạc trên đất lúa chân cao thiếu nước; tuyên truyền, vận động nông dân tham quan mô hình, bà con nông dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất lạc và quy trình thâm canh lạc có sử dụng chế phẩm Trichoderma để đạt hiệu quả cao hơn./.

 

Thái Ngân

 


Tin nổi bật Tin nổi bật