Hoài Nhơn: Thành tựu sau 5 năm xây dựng nông thôn mới
Xã nông thôn mới Hoài Sơn-Ảnh Diệp Bảo Sương
Trước năm 2011 bình quân các xã trong huyện mới chỉ đạt 4,2 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhưng đến năm 2015 bình quân 15/15 xã đã đạt được 14,7 tiêu chí, tăng 10,5 tiêu chí/xã so với năm 2011 và cao hơn 1,4 tiêu chí so với bình quân chung toàn tỉnh.
Trong đó, có 5 xã đạt 9 đến 12 tiêu chí; 5 xã đạt từ 13 -15 tiêu chí; 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện không còn xã nào đạt dưới 9 tiêu chí.
Để đạt được những thành tựu trên, ngoài sự quan tâm đầu tư có hiệu quả của Trung Ương, tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở mà đặc biệt trong đó vai trò của người dân là chủ thể chính trong quá trình triển khai xây dựng nông mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”
Trong 5 năm qua (2011-2015), các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 70 tỷ đồng. Trong đó có hơn 140.000m² đất, 3.700 cây dừa, 14.400 ngày công lao động, để làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng trên các tuyến đường nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế -xã hội.
Nét nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của huyện là lựa chọn những tiêu chí phù hợp với điều kiện của địa phương và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân ưu tiên tập trung làm trước đó là chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, bởi đây là điều kiện tiên quyết tạo đà cho lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đến nay toàn huyện đã xây dựng bê tông xi măng, nhựa hóa 156km đường trục xã, liên xã; bê tông 530km trục đường liên thôn, xóm; mở rộng, cứng hóa 120km đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa 142km kênh mương, xây dựng sửa chữa nâng cấp 3 hồ chứa nước, 10 đập dâng đảm bảo nước tưới cho 85% diện tích lúa. Các dự án điện KfW, RD, RE2 được triển khai xây dựng khá hoàn chỉnh giúp cho 99,8% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia trong đời sống sinh hoạt và phát triển sản xuất công-nông-lâm-ngư nghiệp.
Phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” được quan tâm đẩy mạnh. Toàn huyện đã xây mới 4 Trung tâm liên hợp văn hóa xã, 32 nhà văn hóa thôn. Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực 39/59 trường học được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao, cơ sở vật chất các Trạm y tế tiếp tục được đầu tư nâng cấp; 15/15 trạm y tế đều đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2; 12/15 xã có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 70%; 100% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Đặc biệt để xử lý rác thải - vốn là vấn đề nan giải của các địa phương trong thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường, 4 năm qua, huyện đã đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng 4 bãi chôn lấp rác thải và kêu gọi 1 doanh nghiệp đầu xây dựng nhà máy xử lý đốt rác tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ rác thải trên các địa bàn trọng điểm của huyện.
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ câu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt chăn nuôi, xây dựng trên 100 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng tiên tiến và cánh đồng lớn góp phần đưa năng suất lúa bình quân năm 2015 đạt 61 tạ/ha tăng 8,2 tạ/ha so với năm 2010. nâng tỷ lệ đàn bò lai từ 45% năm 2010 lên 80% năm 2015; đàn heo hướng nạc từ 120 ngàn con lên 160 ngàn lợn thịt/lứa. Đặc biệt phát triển thủy sản được xem là ngành kinh tế chủ lực của huyện, bình quân hàng năm đóng mới 180 tàu cá, cải hoán, sửa chữa trên 1.000 lượt tàu nâng tổng số tàu cá hiện có 2.435 tàu, tổng công suất 792.079CV sản lượng hàng năm khai thác trên 43 ngàn tấn hải sản các loại. Đến nay toàn huyện đã hình thành 300 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên các vùng biển xa; 4 làng nghề truyền thống, 18 hợp tác xã nông nghiệp; 6 tổ hợp tác quản lý điều hành các công trình thủy lợi góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 72 ngàn xã viên, nâng mức thu nhập bình quân từ 10 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 24,5 triệu đồng/người/năm năm 2015 tỷ lệ hộ hiện chỉ còn 6%.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoài Nhơn, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho chương trình còn thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng nông thôn tuy đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; đời sống của một bộ phận người dân ở nông thôn còn gặp không ít khó khăn, tình trạng thiếu việc làm vẫn còn tiếp diễn, công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững.
Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) mục tiêu của huyện là sẽ tập trung mọi nguồn lực xây dựng thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó duy trì, giữ vững 5 xã đạt chuẩn năm 2015 và cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn, nâng mức thu nhập bình quân đầu tăng trên 15%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 70% và phấn đấu đến năm 2020 Hoài Nhơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Theo hoainhon.binhdinh.gov.vn