|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Loại cây ra quả vùi dưới đất gọi là củ ở Bình Định, dân trúng mùa, trúng giá

Thời điểm này, nông dân trồng đậu phộng (trồng lạc) ở huyện Tây Sơn (Bình Định) đang vào cao điểm thu hoạch đậu phụng vụ Đông Xuân. Không khí làm việc trên các cánh đồng đậu phộng rất khẩn trương, tấp nập.

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân trồng đậu phộng (trồng lạc) ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), bởi một vụ đậu ổn định năng suất và được giá.

Đang đội nắng để phơi đậu phụng, kịp bán cho thương lái nhưng bà Trần Thị Hoàng, ở thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) vẫn vui vẻ cho hay, năm nay, 11 sào đậu của bà dù bị ảnh hưởng bởi mưa lạnh bất thường, mắc nhiều loại bệnh, khiến năng suất có giảm nhẹ, tuy nhiên giá đậu tăng cao, ở mức 31.000 đồng/kg, có lãi khá nên bà rất vui.

Đã thu hoạch một phần trong tổng số 25 sào đậu phụng vụ Đông Xuân, ông Nguyễn Tấn Hừng, cùng thôn với bà Hoàng, cho biết, năng suất đậu của gia đình đạt khoảng 240 kg/sào, giá bán đậu năm nay được coi là cao nhất trong những năm gần đây; thu hoạch đến đâu, gia đình phơi bán đến đó, rất thuận lợi.

Với hơn 847,2 ha, tăng 15,8 ha so với vụ Đông Xuân năm trước, Bình Thuận là xã có diện tích đậu phụng lớn nhất huyện Tây Sơn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, diện tích đậu phụng tăng thêm nhờ được đảm bảo nước tưới từ hệ thống kênh thủy lợi Thuận Hạnh - Thuận Hiệp mới đưa vào sử dụng.

Bà Trần Thị Hoàng, nông dân trồng đậu phộng (trồng lạc) ở thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) phơi đậu để kịp bán cho thương lái. Ảnh: ĐINH NGỌC

Diện tích đậu phụng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 của huyện Tây Sơn khoảng 1.938 ha, tăng 55 ha so với năm trước; năng suất bình quân khoảng 39,8 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước; nhưng cá biệt năng suất đậu phụng ở xã Bình Thuận đạt tới 47,1 tạ/ha.

Từ đầu vụ đến nay, giá đậu ở mức khá tốt, từ 27.000 - 31.000 đồng/kg, nhờ đó người trồng đậu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha.

Không chỉ mang lại thu nhập cao cho người trồng, cây đậu còn tạo việc làm cho nhiều lao động tham gia nhổ đậu, thu nhập mỗi ngày từ 200 - 250 nghìn đồng.

Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết, qua nhiều năm đã khẳng định sự ổn định về giá cả, thị trường tiêu thụ đậu phụng.

Để giúp người dân yên tâm hơn trong sản xuất, huyện Tây Sơn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật, công nghệ tưới tiết kiệm, giống mới, chế phẩm sinh học…

Cụ thể, huyện đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất đậu phụng theo chuỗi, mô hình đưa cơ giới hóa (máy trỉa đậu phụng, máy phun đậu phụng)…

Trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm máy phun đậu phụng, giúp bà con giảm chi phí nhân công.

Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ các cơ sở đăng ký sản phẩm dầu phụng đạt sản phẩm OCOP và áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Hiện có sản phẩm dầu phụng Thượng Giang của HTX Thượng Giang (xã Tây Giang), dầu phụng Thành Mười của cơ sở sản xuất Thành Mười (xã Bình Thuận), dầu phụng Tân Lạc Việt của cơ sở ép dầu phụng Lạc Việt (xã Tây Phú)… đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.


Tác giả: ĐINH NGỌC
Nguồn:danviet.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật