Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa giúp hộ cận nghèo phát triển sinh kế
Những năm qua, nhờ sự quan tâm triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời nên thị xã An Nhơn đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân, nhất là hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo... vươn lên ổn định cuộc sống.
Hộ bà Võ Thị Tròn ở xã Nhơn Lộc vay vốn tín dụng chính sách để chăn nuôi và nấu rượu
Phòng giao dịch NHCSXH thị xã An Nhơn thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 20.11.2014 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong thời gian qua, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã trở thành "điểm tựa" giúp các hộ vay vốn sản xuất, phát triển sinh kế, cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Như trường hợp hộ bà Võ Thị Tròn, hộ cận nghèo ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc là một trong số những hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách để phát triển sinh kế, tăng thu nhập gia đình để vươn lên trong cuộc sống. Bà Tròn chia sẻ: Bản thân bà lớn tuổi, chồng mất sớm do bệnh hiểm nghèo, hiện tại sống với em chồng không gia đình cũng đã lớn tuổi nên không còn sức lao động. Nhờ tận dụng nguồn lúa gạo sẵn có cùng nguồn nước sạch tươi mát tại địa phương, tháng 4 năm 2024, bà quyết định vay vốn từ NHCSXH với số tiền 50 triệu đồng để mua 2 con bò giống sinh sản với số tiền 35 triệu đồng; phần tiền còn lại, bà làm hệ thống Bioga xử lý chất thải và mua 2 cái nồi bảy đồng, mua 2 cái thùng đựng rượu, mua gạo, mua men rượu, dụng cụ ủ rượu, sang chiết rượu để sản xuất rượu bàu đá bán để kiếm thêm thu nhập lo cuộc sống.
Nhờ sự cần cù, chịu khó với quy trình ủ gạo và nấu rượu đạt chuẩn nên hàng tháng, hộ bà Tròn đã bán ra thị trường mà chủ yếu là bán lẻ các loại rượu bàu đá thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài ra, bà tận dụng nguồn phụ phẩm từ việc nấu rượu như hèm... để làm thức ăn cho bò, giúp bà tiết kiệm được một khoảng chi phí mua thức ăn cho bò sinh sản. Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã giúp gia đình bà Tròn có thêm thu nhập từ việc bán rượu bàu đá và chăn nuôi bò sinh sản, đem lại doanh thu khoảng hơn 50 triệu đồng/năm, đã phần nào giúp bà dần dần ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Hay như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Qua, hộ mới thoát nghèo ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để trồng cây mai cảnh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Qua cho biết: Nhơn An là địa phương nổi tiếng về cây mai cảnh được khách hàng trên cả nước ưa chuộng nên nắm bắt điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cùng nguồn nước dồi dào tại địa phương phù hợp cho việc trồng các loại cây cảnh mà đặc biệt là cây mai, nên gia đình ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH thị xã để trồng và phát triển cây mai cảnh mà chủ yếu là mai bon sai. Với việc chọn lựa các giống mai tốt cùng với sự chăm sóc chu đáo, đã giúp cho gia đình ông có công việc ổn định, tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, đem lại thu nhập từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình ông ổn định hơn.
Thực tiễn hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành điểm tựa để các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... trên địa bàn thị xã được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sinh kế, đem lại nguồn thu nhập ổn định để họ có một cuộc sống tốt hơn. Có thể nói, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống của người dân, giúp họ vươn lên và làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.