Vĩnh Thạnh quyết tâm trở thành điểm đến hấp dẫn
Huyện Vĩnh Thạnh với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, văn hóa đặc sắc và bề dày lịch sử, đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đang quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Những bước tiến đáng ghi nhận
Năm 2025 ghi dấu bước đột phá mạnh mẽ của du lịch Vĩnh Thạnh, trong đó, Ngày hội hoa đào Vĩnh Sơn đã trở thành điểm nhấn nổi bật khi thu hút hơn 20.000 lượt khách đến thưởng lãm trong suốt thời gian diễn ra, mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Đây không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là cú hích quan trọng giúp nâng tầm thương hiệu du lịch Vĩnh Sơn trên bản đồ du lịch tỉnh Bình Định.
Du khách thích thú với những tấm ảnh kỷ niệm tại Ngày hội hoa đào Vĩnh Sơn. Ảnh: XUÂN DŨNG
Đặc biệt, mùa hoa trang tại suối Tà Má ở xã Vĩnh Hiệp đã thu hút hơn 150 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 40% là du khách đến từ các tỉnh thành khác, góp phần mang lại doanh thu du lịch khoảng 30 tỷ đồng. Riêng trong 2 ngày cao điểm của Ngày hội thưởng ngoạn hoa trang (22 và 23.3), sự kiện đã đón tới 30.000 lượt khách, doanh thu chạm mốc 6 tỷ đồng.
Những thành công này không chỉ khẳng định sức hút mãnh liệt của Vĩnh Thạnh mà còn đánh dấu bước tiến lớn trong chiến lược phát triển du lịch của huyện, đưa địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Bình Định.
Suối Tà Má thu hút hơn 150 nghìn lượt du khách trong mùa hoa này. Ảnh: XUÂN DŨNG
Ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch tại các địa phương có thế mạnh tương đồng, từ đó rút ra bài học phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Đồng thời, huyện cũng đã mời các chuyên gia nghiên cứu về du lịch để khảo sát tiềm năng, đánh giá thế mạnh và đề xuất những hướng đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả các giá trị cảnh quan, văn hóa, con người Vĩnh Thạnh…
Hướng tới phát triển du lịch bền vững
Đáng chú ý là hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Vĩnh Sơn đang ngày càng phát triển, góp phần tạo sinh kế bền vững cho đồng bào Bana. Nhiều hộ dân ở làng K2, K3, K4 đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, cải tạo nhà sàn để làm homestay đón khách, mang đến không gian lưu trú độc đáo giữa núi rừng. Du khách đến đây không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, mà còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa bản địa như dệt thổ cẩm, nấu các món ăn truyền thống, thưởng thức cồng chiêng, rượu cần. Nhờ mô hình này, đời sống của bà con ngày càng khởi sắc, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa thúc đẩy du lịch địa phương phát triển bền vững.
Văn hóa truyền thống được Vĩnh Thạnh bảo tồn và phát huy đã phục vụ đắc lực cho phát triển du lịch. Ảnh: XUÂN DŨNG
Người dân làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nấu ăn, nâng cao kỹ năng chế biến để tổ chức dịch vụ ẩm thực tại khu du lịch sinh thái cộng đồng suối Tà Má - Hà Ri. Những món ăn đậm chất địa phương như cơm lam, gà nướng, rau rừng, rượu cần… được chế biến theo cách giữ hương vị dân dã nguyên bản cùng sự phục vụ tận tình của người dân được du khách đánh giá cao.
Đây là những minh chứng cho thấy Vĩnh Thạnh đã dần khẳng định thương hiệu, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh.
Đồng lòng phát triển du lịch
Huyện Vĩnh Thạnh sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa giàu bản sắc. Hồ Định Bình, một trong những hồ thủy lợi lớn nhất miền Trung mở ra tiềm năng du lịch sinh thái với hoạt động chèo thuyền, cắm trại, khám phá đời sống cư dân ven hồ. Cùng với đó, Suối Tà Má, thác Pơ Lin, thác Hang Dơi, thác Sơn Lang, thành Tà Kơn, suối nước nóng Vĩnh Thịnh… mang đến không gian thư thái giữa núi rừng. Đặc biệt, vào mùa xuân, vườn hoa đào Vĩnh Sơn nở rộ, thu hút đông đảo du khách đến check-in, thưởng ngoạn.
Hồ Định Bình có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ảnh: XUÂN DŨNG
Bên cạnh thiên nhiên hùng vĩ, Vĩnh Thạnh còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Bana. Làng dệt thổ cẩm Hà Ri là điểm đến lý tưởng để du khách khám phá nghệ thuật dệt truyền thống, trực tiếp trải nghiệm công đoạn nhuộm vải, dệt vải trên khung cửi. Ngoài ra, các lễ hội như Lễ hội cồng chiêng, Lễ mừng lúa mới, Lễ hội đâm trâu cũng góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo, thu hút du khách tìm hiểu đời sống tinh thần phong phú của người dân bản địa.
Nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch, Đảng bộ và chính quyền huyện Vĩnh Thạnh đã ban hành nhiều giải pháp quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung nỗ lực thực hiện. Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, mở rộng các sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa Vĩnh Thạnh trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Bình Định.
Huyện Vĩnh Thạnh tập trung phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, đầu tư vào các danh lam thắng cảnh kết hợp trải nghiệm văn hóa làng Bana. Nâng cấp hạ tầng du lịch, mở rộng cơ sở lưu trú, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách. Huyện cũng đẩy mạnh quảng bá qua các nền tảng số, tổ chức lễ hội đặc trưng để thu hút khách. Đồng thời, tận dụng vị trí thuận lợi, liên kết với các tuyến du lịch trong tỉnh để tạo chuỗi du lịch liên hoàn, gia tăng sức hút.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân cũng góp phần quan trọng vào thành công chung. Bà con địa phương không chỉ tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch mà còn tích cực giữ gìn cảnh quan, bảo tồn văn hóa, tạo môi trường thân thiện để đón khách. Chính sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ giúp du lịch Vĩnh Thạnh vươn lên.