Vân Canh: Giảm nghèo hiệu quả từ các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị
Thời gian qua, từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025), các cấp chính quyền ở huyện Vân Canh đã tích cực triển khai các dự án phát triển kinh tế theo chuỗi sản xuất, tạo việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo.
Đa dạng các dự án hỗ trợ
Trước đây, gia đình chị Lê Thị Á (SN 1989, dân tộc Chăm, ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa) là hộ nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc đi làm thuê. Khi UBND xã triển khai thực hiện nội dung số 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) theo chuỗi giá trị (thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), giữa năm 2024, gia đình chị được hỗ trợ 2 con bò lai sinh sản.
Chị Lê Thị Á (bìa phải) vui mừng vì được hỗ trợ 2 con bò cái lai sinh sản, giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Ảnh: D.Đ
Chị Á cho hay: “Sau khi nhận bò về nuôi, gia đình tôi còn được cán bộ thú y, Tổ Cộng đồng nuôi bò cái lai sinh sản xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò, tổ chức tiêm phòng... Nhờ làm theo hướng dẫn, 2 con bò phát triển rất tốt, có con đã chửa rồi, gia đình tôi rất phấn khởi”.
Ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, thông tin: Giai đoạn năm 2023 - 2024, UBND xã đã thực hiện 2 dự án nuôi bò cái lai sinh sản, hỗ trợ 76 con bò cho 38 hộ nghèo, cận nghèo ở các làng. Cùng đó, để giúp các hộ chăn nuôi hiệu quả, xã còn thành lập Tổ Cộng đồng nuôi bò cái lai sinh sản ở các làng và vận động các hộ cùng tham gia để giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi; đến nay, đã có nhiều con bò sinh sản, giúp 25/38 hộ tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo.
Còn tại làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) có hơn 99% dân số là người dân tộc Chăm, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, tháng 9.2023, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện đã triển khai dự án trồng dừa hữu cơ. 29 hộ nghèo, cận nghèo trong làng tham gia, được hỗ trợ tổng cộng 1.160 cây dừa giống, cùng các vật tư, tập huấn kỹ thuật.
Anh Trần Văn Ổi (SN 1993, dân tộc Chăm, ở làng Canh Giao) cho biết, sau khi đăng ký tham gia dự án, anh được huyện hỗ trợ trên 150 cây dừa giống trồng trên diện tích 2.000 m2 đất vườn. Anh đã cải tạo đất, đào ao chứa nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng và chăm sóc cây theo đúng quy trình. “Hiện nay, dừa sinh trưởng rất tốt vì được áp dụng KHKT trong chăm sóc. Tôi kỳ vọng sau 2 - 3 năm nữa, cây dừa sẽ cho ra những trái đầu tiên, giúp gia đình có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”, anh Ổi nói.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vân Canh, trong giai đoạn 2022 - 2024, thực hiện nội dung số 1 về Hỗ trợ PTSX theo chuỗi giá trị, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh hơn 10,33 tỷ đồng, Phòng và UBND các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện 21 dự án, với 176 hộ nghèo và 198 hộ cận nghèo tham gia. Trong đó, có 18 dự án chăn nuôi PTSX cộng đồng (hỗ trợ 370 con bò lai, 90 con dê, 336 con heo đen lai F1), 2 dự án trồng dừa hữu cơ (hỗ trợ 3.786 cây dừa), 1 dự án chăn nuôi gà thả đồi (hỗ trợ 4.800 con gà).
Ông Lê Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vân Canh, khẳng định việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ PTSX theo chuỗi giá trị đang từng bước thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhất là việc hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng mới đã góp phần nâng cao đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện đến cuối năm 2024 còn 22,59%, giảm 14,63% so với cuối năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh Nguyễn Xuân Việt cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ PTSX tại một số địa phương vẫn còn hạn chế, trong đó một số dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi.
“Trước những khó khăn đó, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan, UBND các xã, thị trấn tập trung nâng cao ý thức của người dân khi tham gia các dự án; nâng cao kỹ năng điều hành hoạt động của tổ, nhóm cộng đồng theo hướng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong lập kế hoạch, định hướng thực hiện các dự án hỗ trợ đảm bảo phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu của cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả của các dự án, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả”, ông Việt cho biết.