A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường

Tại Hội thi Giải pháp bảo vệ môi trường và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, nhiều ý tưởng, giải pháp sáng tạo, gần gũi với cuộc sống hằng ngày, đặc biệt thể hiện sự quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên đã được học sinh nghiên cứu thực hiện.

Ý tưởng sáng tạo, hữu ích

Xuất phát từ việc địa phương thường bị lũ lụt và sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại về tài sản, tính mạng con người, nhóm học sinh Lê Trần Ngọc Hân, Giang Minh Đăng (Trường THCS Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) thực hiện đề tài “Hệ thống cảnh báo sạt lở đất” để tham gia Hội thi Giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 (gọi tắt là Hội thi).

Hệ thống cảnh báo sạt lở đất hoạt động dựa vào các cảm biến và trạm xử lý thông tin. Trong đó, cảm biến đo mực chất lỏng sẽ phát tín hiệu về trạm xử lý thông tin khi lượng mưa đạt đến giới hạn nguy hiểm. Cảm biến đo độ bão hòa nước trong đất, đo chấn động bề mặt cũng sẽ phát tín hiệu về trạm xử lý thông tin khi lượng nước trong đất tăng lên cao, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, bề mặt địa hình thay đổi và kèm theo những chấn động. Trạm xử lý thông tin khi nhận được tín hiệu từ các cảm biến sẽ chuyển thành tin nhắn SMS “Cảnh báo, thông báo sạt lở đất” gửi đến danh sách người nhận đã được lập trình để kịp thời ứng phó, xử lý. Đặc biệt, trạm có thể gửi tín hiệu cảnh báo sạt lở đất và tọa độ điểm sạt lở bằng tin nhắn SMS ưu tiên đồng thời đến nhiều số điện thoại tức khắc.

Đề tài “Một số sản phẩm khử mùi, đuổi côn trùng và “túi mầm xanh” thân thiện với môi trường” của nhóm học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) cũng thu hút nhiều sự chú ý do tính gần gũi, đơn giản và thiết thực. Sản phẩm được tạo ra nhờ chưng cất tinh dầu; chiết dịch từ thảo mộc như ngũ gia bì, sả, lá bạch đàn, vỏ cam, chanh, bưởi.

Còn “túi mầm xanh” được làm từ giấy vụn và các loại rác hữu cơ như bã mía, vỏ bắp, bã cam, chanh, bưởi… Sau khi “Túi mầm xanh” được hình thành sẽ kết hợp với tinh dầu sả, chanh (đã chưng cất, chiết) và bã trà, cà phê tạo ra sản phẩm túi khử mùi. “Túi mầm xanh” và túi khử mùi sau khi dùng xong được tận dụng làm giá thể, hạt giống, phân bón.

Em Huỳnh Bảo Trân - học sinh lớp 11A5, Trường THPT Bùi Thị Xuân, thành viên nhóm thực hiện đề tài, chia sẻ: “Chúng em muốn tận dụng nguồn rác thải hữu cơ và các loại thảo mộc để đưa ra giải pháp tái chế cụ thể, hiệu quả. Qua đó, lan tỏa ý thức BVMT bằng các sản phẩm tái chế an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Nâng cao nhận thức về việc phân loại, thu gom, tái chế và xử lý rác thải. Khuyến khích sống xanh theo nguyên tác 4T là “Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế”.

Học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ trình bày đề tài “Hệ thống cảnh báo sạt lở đất”. Ảnh: V.L

Cùng giữ gìn môi trường bền vững

Theo ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng Ban giám khảo Hội thi, Hội thi nhận được nhiều đề tài, giải pháp sáng tạo, thiết thực trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đơn cử như đề tài “Dịch chiết lá xoài - nguồn dược liệu tự nhiên gần gũi thân thiện với môi trường” của nhóm học sinh Trường THCS Đập Đá (TX An Nhơn); “Làm gạch lát nền từ rác thải nhựa tái chế” của nhóm học sinh Trường THCS Cát Thắng (huyện Phù Cát); “Mô hình ngôi nhà năng lượng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu” của nhóm học sinh Trường THCS Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn); “Giải pháp thu dọn rác tại các kênh mương” của nhóm học sinh Trường THCS Phước Hiệp (huyện Tuy Phước); “Vai trò của rừng nhiệt đới và rừng ngập mặn đối với đời sống con người” của nhóm học sinh Trường THCS Nhơn Bình (TP Quy Nhơn)…

TS Nguyễn Việt Cường - Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở TN&MT), thành viên Ban giám khảo Hội thi, nhìn nhận: Các đề tài tham gia Hội thi phù hợp với tiêu chí BVMT và gắn với thực tiễn địa phương, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, có nhiều ý tưởng hay trong việc tìm kiếm các giải pháp BVMT và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên sạch, nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường.

“Hội thi góp phần tăng nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc BVMT, nâng cao ý thức trách nhiệm trong giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, lan tỏa các giá trị tích cực, tạo động lực cho các hành động cụ thể hướng tới một môi trường sống bền vững”, ông Nguyễn Đình Hùng nhấn mạnh.

Hội thi có 38 đề tài của học sinh khối THCS và THPT trên địa bàn tỉnh tham gia. Sau vòng sơ loại và vòng chung khảo, Ban giám khảo đã chấm và quyết định trao giải cho 17 đề tài đạt chất lượng cao.

Trong đó, giải nhất thuộc về đề tài “Một số sản phẩm khử mùi, đuổi côn trùng và “túi mầm xanh” thân thiện với môi trường” của nhóm học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân. Đề tài “Dịch chiết lá xoài - nguồn nguyên liệu tự nhiên gần gũi thân thiện với môi trường” của nhóm học sinh Trường THCS Đập Đá và đề tài “Hệ thống cảnh bảo sạt lở đất” của nhóm học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ đạt giải nhì.


Tác giả: VĂN LỰC
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật