Tây Sơn với công tác phòng chống thiên tai: Chuẩn bị kỹ, chủ động từ sớm, từ xa
Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Tây Sơn đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị kỹ các phương án phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Nâng cao nhận thức, hiệp đồng chặt chẽ
Giữa tháng 11 vừa qua, UBND huyện Tây Sơn tổ chức huấn luyện ứng phó thiên tai sạt lở núi tại xã Bình Tường. Tình huống giả định là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn huyện có mưa lớn và các hồ nước xả lũ với lưu lượng lớn nên mực nước sông Côn dâng cao gây ngập lụt; khu vực núi Cây Da (thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường) xảy ra hiện tượng sạt lở. Buổi huấn luyện đã đưa ra nhiều tình huống cụ thể từ công tác chuẩn bị, ứng phó, di dời dân cho đến khắc phục hậu quả sạt lở.
Huấn luyện ứng phó thiên tai sạt lở tại núi Cây Da (xã Bình Tường). Ảnh: H.P
Quá trình huấn luyện, lực lượng xung kích của xã đã giúp người dân thôn Hòa Sơn gia cố nhà cửa, sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm tới nơi an toàn. Các lực lượng xung kích và hội, đoàn thể của xã cũng đã tiến hành khắc phục hậu quả sạt lở đất, khai thông các trục giao thông. Sau khi thời tiết ổn định, địa phương nhanh chóng huy động nhân lực, trang bị, phương tiện tổ chức khắc phục môi trường, khám bệnh, phát thuốc, cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Thượng tá Nguyễn Xuân Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tây Sơn, cho biết: Với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật tư, phương tiện, phương án hiệp đồng, các lực lượng CA, quân đội, dân quân cơ động, các cơ quan, đơn vị và nhân dân tham gia diễn tập đã triển khai các nội dung huấn luyện ứng phó thiên tai sạt lở núi sát thực tế, phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương.
Theo dõi buổi huấn luyện, các hộ dân sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi Cây Da cũng yên tâm hơn hẳn khi thấy các lực lượng hiệp đồng chặt chẽ, xử lý nhanh chóng tình huống để đảm bảo an toàn cho người dân. Ông Phan Văn Chung (thôn Hòa Hiệp) chia sẻ: “Qua đây, tôi hiểu rõ hơn cách chuẩn bị và ứng phó khi sạt lở xảy ra. Những kỹ năng này thực sự cần thiết để bảo vệ gia đình và tài sản của các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ khi mùa mưa bão xảy ra”.
Còn Chủ tịch UBND xã Bình Tường Trần Công Dũng cho hay: “Việc huyện chọn núi Cây Da làm địa điểm cho tình huống huấn luyện đã giúp địa phương kiểm tra, đánh giá khả năng huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, đây là dịp để các đơn vị phối hợp nhịp nhàng hơn và điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất cho công tác ứng phó thiên tai”.
Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại
Huyện Tây Sơn là địa phương có nhiều công trình thủy lợi, đặc biệt có sông Côn, vì vậy, công tác chủ động phòng chống và ứng phó với thiên tai được chính quyền, người dân địa phương chú trọng khi bước vào mùa mưa bão.
Trong đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tây Sơn đã chủ động rà soát, cập nhật các kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai. Các đơn vị, địa phương liên quan cũng đã được thông báo để triển khai thực hiện, tuân thủ phương châm 4 tại chỗ.
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các phương án ứng phó thiên tai công trình hồ chứa thủy lợi. Nhất là tập trung theo dõi, chỉ đạo chủ động ứng phó thiên tai đối với 6 hồ chứa được đánh giá không an toàn gồm: Nam Hương và Bàu Dài (xã Tây Giang), Bàu Sen (xã Bình Tường), Lỗ Ổi (xã Bình Thành), Bàu Năng (xã Bình Tân), Hòa Mỹ (xã Bình Thuận).
Theo ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, đối với các tuyến sông, suối trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị, UBND cấp xã tổ chức nạo vét, thông thoáng, tháo dỡ vật cản. Trong đó, chú trọng các vị trí như: Bờ suối Cam Tuyền đoạn cầu Trường Định, xã Bình Hòa, tuyến kênh tiêu Văn Phong… Ngoài ra, đối với các công trình đang thi công trên địa bàn như tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp QL 19, đoạn qua huyện Tây Sơn), tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn huyện, cầu Hữu Giang (xã Tây Giang), hồ Hóc Thánh (xã Bình Tường), hồ Hải Nam (xã Tây Giang)…, UBND huyện đều có kế hoạch và chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công tổ chức kiểm tra, đề xuất phương án thông thoáng dòng chảy, phối hợp xử lý các tình huống sự cố sạt lở, ngập úng.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Phan Chí Hùng khẳng định, sự chuẩn bị kỹ càng cùng tinh thần chủ động là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm an toàn và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trên cơ sở đó, huyện sẽ thường xuyên cập nhật, bổ sung các kịch bản, phương án ứng phó thiên tai theo thực tế tại từng địa phương. Trọng tâm là rà soát, xây dựng chi tiết các phương án di dời, sơ tán hộ dân sinh sống ở những vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn trước khi có bão, lũ xảy ra…
Huyện Tây Sơn đã bố trí lực lượng chủ chốt cho công tác phòng chống thiên tai gồm Ban CHQS và CA huyện, phối hợp với lực lượng xung kích các xã, mỗi xã có từ 80 - 100 người. Các lực lượng này đảm bảo khả năng sơ tán người dân kịp thời trước bão lũ. Về trang thiết bị, huyện đã huy động được 71 ô tô dưới 16 chỗ, 7 ô tô từ 16 đến 40 chỗ, 10 ô tô vận tải, 70 xe ben, 4 xe chỉ huy phòng chống thiên tai, 28 thuyền nhôm, 2 xe cứu thương, 39 xe xúc, 66 xe ủi, cùng 660 phao áo, 770 phao tròn và 6 phao bè cứu sinh...