Phù Cát tập trung đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Phù Cát tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng hạng mục mở rộng bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện tại xã Cát Hiệp và hạng mục hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Gò Mít (thị trấn Ngô Mây). Ðây là các hạng mục thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chí môi trường, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Cát, công trình mở rộng bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tập trung huyện được thực hiện trên khu đất rộng 6,11 ha, thuộc khu vực núi Tom Zang (thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp) với tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, cải tạo và vận hành ô chôn lấp A-1 (ô chôn lấp cũ) có tổng diện tích sử dụng đất 2,87 ha, diện tích ô chôn lấp 1,05 ha.
Việc nghiệm thu, đưa vào vận hành ô chôn lấp A1 tại bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Phù Cát đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải ngày một lớn tại địa phương. Ảnh: V.L
Trong khuôn khổ dự án, huyện cho xây mới ô chôn lấp A1 (ô chôn lấp mới) với tổng diện tích sử dụng đất 3,24 ha, diện tích ô chôn lấp 1,77 ha; công suất thiết kế trung bình hơn 25,7 tấn/ngày. Ngoài ra, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải (nước rỉ rác) tại bãi xử lý CTRSH tập trung huyện Phù Cát với công suất 30 m3/ngày đêm.
Với công trình này, huyện Phù Cát phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ nâng tỷ lệ thu gom CTRSH tại huyện đạt trên 90% đối với khu vực đô thị và 80% đối với địa bàn nông thôn; xử lý 80% chất thải rắn phát sinh tại địa phương. Qua đó giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân do rác thải gây ra; tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Ô chôn lấp A-1 được vận hành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, với công suất thiết kế trung bình 11,79 tấn/ngày. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, công suất hoạt động của ô chôn lấp A-1 luôn gấp đôi so với thiết kế. Đến nay, ô chôn lấp này đã đầy, đơn vị đang thực hiện các thủ tục đóng cửa theo đúng quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Phạm Minh Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Giao thông công chính huyện Phù Cát, cho hay: “Ô chôn lấp A1 được chia thành 4 lô, tổng diện tích 1,77 ha, có hệ thống thu gom nước rỉ rác trong ô chôn lấp; hệ thống thoát nước ngầm; hố ga tách nước mưa và nước rỉ rác được đầu tư xây dựng hiện đại sẽ đảm bảo vận hành trong 5 - 6 năm tới. Việc nghiệm thu, đưa vào sử dụng, vận hành ô chôn lấp mới là rất cần thiết trước nhu cầu xử lý CTRSH ngày một lớn tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Hạt Giao thông công chính huyện Phù Cát trong công tác thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn huyện; nhất là tăng tần suất và mở rộng địa bàn thu gom”.
Tương tự, hạng mục hệ thống xử lý nước thải Cụm công nghiệp Gò Mít được nghiệm thu, đưa vào vận hành giúp đảm bảo thu gom, thoát nước mưa; thu gom, thoát nước và xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động, sản xuất của các cơ sở, nhà xưởng. Hạng mục này góp phần giải quyết tình trạng nước thải không được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng môi trường thời gian qua. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Được biết, ngoài 2 hạng mục trên, thời gian qua, huyện Phù Cát tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chí môi trường đối với huyện nông thôn mới. Đơn cử, địa phương đầu tư gần 37 tỷ đồng xây dựng Nhà máy cấp nước sinh hoạt Cát Trinh - Cát Tân với công suất 2.700 m3/ngày đêm. Dự kiến, cuối năm 2025, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân xã Cát Trinh và Cát Tân.
Bên cạnh đó, đến nay, gần 40 tuyến đường nội thị tại thị trấn Ngô Mây được đầu tư mở rộng, thảm nhựa mặt đường và bổ sung hệ thống thoát nước, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh. Qua đó, góp phần chỉnh trang, tạo điểm nhấn về không gian đô thị, cải tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình, hạng mục đảm bảo tiêu chí môi trường giúp địa phương dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương bền vững.