A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy Nhơn: Tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1)

(binhdinh.gov.vn)-Ngày 21.2, UBND TP. Quy Nhơn đã ban hành Văn bản số 262/UBND-KT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1).

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất vi rút cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND thành phố yêu cầu UBND các phường, xã củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc và gia cầm của địa phương. Thành lập ngay các Tổ kiểm tra, giám sát tình hình dịch cúm gia cầm ở từng thôn, khu vực tại địa phương, nắm bắt tình hình và áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết khi có diễn biến dịch trên địa bàn. Kể từ ngày 27/02/2014, tổ chức ra quân kiểm tra, thực hiện nghiêm cấm việc buôn bán gia cầm sống tại chợ, mua bán sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm dịch thú y. Đối với các hộ tiểu thương cố tình chây ỳ, không thực hiện nghiêm thì xác lập biên bản vi phạm, tịch thu, tiêu hủy theo quy định về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Chỉ đạo triển khai công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm theo Kế hoạch số 09/UBND-KT ngày 24/1/2014 của UBND thành phố đảm bảo đúng tiến độ và đạt tỷ lệ tiêm phòng theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, phối hợp với Trạm Thú y thành phố tổ chức các đợt ra quân tiêu độc, sát trùng chuồng trại chăn nuôi, các chợ buôn bán gia cầm, các cơ sở giết mổ gia cầm theo kế hoạch địa phương và định kỳ, đặt biệt trong thời gian từ ngày 20/2/2014 đến 31/3/2014, vận động người chăn nuôi duy trì thực hiện thường xuyên công tác này. Chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở theo dõi, giám sát dịch bệnh, hoạt động nuôi mới, tái đàn gia cầm trên địa bàn để phát hiện và báo cáo nhanh cho Trạm Thú y thành phố để có biện pháp xử lý kịp thời. Báo cáo tiến độ hàng ngày về Trạm Thú y thành phố. Tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố tại công văn khẩn số 451/UBND-KT ngày 19/3/2013 về việc nghiêm cấm các hoạt động đưa đàn vịt chạy đồng từ địa phương khác vào địa bàn thành phố và từ phường, xã này sang phường, xã khác trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra các hoạt động mua bán gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm dịch thú y tại các chợ trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo việc tiêu độc khử trùng khu vực bán sản phẩm gia cầm sau mỗi buổi chợ, vệ sinh và khử trùng phương tiện, dụng cụ vận chuyển, chứa đựng sản phẩm gia cầm. Tăng cường thời lượng tuyên truyền trên đài truyền thanh địa phương về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người chăn nuôi tích cực thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vaccine phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng trại, không mua con giống không rõ nguồn gốc, hợp tác với chính quyền địa phương và thú y cơ sở trong việc phát hiện, báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh. Tuyên truyền người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, bị bệnh và chưa qua kiểm soát thú y; khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc và ăn thịt gia cầm ốm, chết; khi tiếp xúc gia cầm phải có bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc; nội dung tuyên truyền phải cụ thể, dễ hiểu và phù hợp với tình hình ở địa phương.

Trạm Thú y thành phố phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố. Thường xuyên liên lạc với thú y các địa phương, nắm bắt thông tin dịch bệnh, kịp thời phát hiện và có biện pháp phối hợp bao vây, xử lý nhanh các ổ dịch, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng. Thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch của thành phố và chuẩn bị đủ cơ số thuốc vaccine đảm bảo tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn gia cầm mới tái tạo và cơ số thuốc sát trùng cấp phát cho các phường, xã, các chợ trên địa bàn thành phố. Tăng cường các hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia cầm theo đúng quy trình; Phân công cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Tổ chức kiểm tra các điểm giết mổ gia cầm và các cơ sở chăn nuôi gia cầm trên địa bàn thành phố; yêu cầu các cơ sở cam kết thực hiện chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch, cung ứng kịp thời cho các địa phương phục vụ công tác tiêm phòng và ứng phó khi dịch xảy ra.

Phòng Kinh tế thành phố tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia cầm, các chợ, cơ sở mua bán sản phẩm của gia cầm và các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Trạm Thú y thành phố, UBND các phường, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn. Theo dõi, đôn đốc, nắm bắt tình hình, diễn biến công tác phòng chống dịch và tham mưu kịp thời cho UBND thành phố chỉ đạo.  Phối hợp với các ngành liên quan theo dõi, kiểm tra giám sát việc tiêm vaccine phòng chống dịch cúm gia trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch tễ trước, trong và sau khi tiêm phòng đối với đàn gia cầm và lực lượng tiêm phòng.  Báo cáo UBND thành phố về tình hình, diễn biến công tác phòng chống dịch và những địa phương còn chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm để tham mưu đề xuất UBND thành phố xem xét kịp thời chỉ đạo. Tham mưu UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh hỗ trợ thuốc tiêu độc sát trùng thực hiện công tác chống dịch.

Trung tâm y tế thành phố Phối hợp với Trạm Thú y thành phố, phòng Kinh tế thành phố giám sát dịch tễ trước, trong và sau khi tiêm phòng đối với đàn gia cầm và lực lượng tiêm phòng. Thực hiện công tác giám sát dịch tễ, phát hiện và xử lý ổ dịch, xử lý môi trường nơi xảy ra dịch nếu có xảy ra. Chuẩn bị các phương tiện, thuốc men để điều trị bệnh nhân nhiễm virus cúm gia cầm. Chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch theo Kế hoạch phòng chống dịch cúm trên người của ngành Y tế.

Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố phối hợp với phòng Kinh tế thành phố tham mưu cho UBND thành phố bố trí kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố theo đúng quy định. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương phối hợp lực lượng thú y trong công tác kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Hạn chế đến mức thấp nhất công tác vận chuyển gia cầm sống từ các địa phương khác đến địa bàn thành phố.

Ban Quản lý các chợ phối hợp với phòng Kinh tế thành phố, UBND các phường, xã, Trạm Thú y thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán gia cầm sống tại chợ. Thực hiện nghiêm cấm các hộ buôn bán gia cầm sống tại chợ, mua bán sản phẩm gia cầm không có dấu kiểm dịch thú y. Chủ động tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng tại khu vực mua bán sản phẩm gia cầm định kỳ 2 lần/tuần. Cơ sở giết mổ gia cầm Thanh Lang Bình Minh và Dũng Nghĩa, phường Nhơn Bình nghiêm túc chấp hành các qui định của cơ quan thú y, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Thực hiện thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại nhốt gia cầm và khu vực giết mổ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Gia cầm thu mua để giết mổ phải rõ nguồn gốc, có giấy kiểm dịch vận chuyển nếu thu mua ngoài địa bàn thành phố Quy Nhơn. Không được thu mua, nhập và giết mổ gia cầm mắc bệnh và nghi mắc bệnh. Nếu phát hiện gia cầm nghi mắc bệnh không rõ nguyên nhân cần báo ngay với cơ quan thú y biết để theo dõi, xử lý.

UBND thành phố cũng đề nghị Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội CCB, Thành Đoàn Quy Nhơn theo nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể cấp phường, xã có trách nhiệm phối hợp với chính quyền và các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn và vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phát hiện và báo cáo kịp thời cho cơ quan thú y về tình hình dịch bệnh tại nơi cư trú, chấp hành kế hoạch và thời gian tiêm phòng vaccin và phòng chống dịch bệnh cho gia cầm; giám sát việc mua bán, giết mổ gia cầm tại các địa bàn khu dân cư; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của nhân dân./.

 

Phi Hùng


Tin nổi bật Tin nổi bật