Tây Sơn: Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới
Kiên cố hoá kênh mương ở xã Tây An, Tây Sơn.
5 năm qua (2011 – 2015), huyện Tây Sơn đã huy động trên 449 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 83 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,5%, ngân sách tỉnh hổ trợ 51 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11%, ngân sách huyện 37 tỷ đồng, chiếm 8,5%, vốn ngân sách xã 135 tỷ đồng chiếm 30%, vốn dân đóng góp 39,1 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 8,8%, các doanh nghiệp 39,1 tỷ đồng chiếm 8,7%...
Từ nguồn vốn trên, toàn huyện đã bê tông hóa và cứng hóa 169,8km đường giao thông nông thôn (GTNT), nâng số km đường GTNT được bê tông hóa và cứng hóa lên 432,7km trên tổng số 830,7km, đạt trên 52%. Trong đó, đường trục xã, liên xã bê tông hóa đạt 94,1%; đường trục thôn, xóm bê tông hóa hoặc cứng hóa đạt 58,3%; đường ngõ, xóm đạt 48,4%; đường trục chính giao thông nội đồng đạt 22,8%. Hiện nay các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, thôn thuận lợi.
Theo ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện: Môi trường là một tiêu chí tương đối khó thực hiện, nhưng thời gian qua các xã đã tập trung triển khai có hiệu quả về công tác bảo vệ môi trường như xây dựng hệ thống cấp thoát nước, sắp xếp chuồng trại chăn nuôi trong khu dân cư; tiếp tục triển khai lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; tổ chức thu gom và xử lý rác thải... Nhờ đó, vệ sinh môi trường nông thôn từng bước được cải thiện. Huyện đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh do Chính phủ Vương quốc Bỉ viện trợ với diện tích 7,01 ha, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 34 tỷ đồng, công suất thu gom 51,9 m3rác/ngày-đêm, hệ thống xử lý nước rỉ rác 26,83 m3/ngày-đêm, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường.
Với mục tiêu quan trọng của chương trình XDNTM là nhằm nâng cao đời sống người dân, thời gian qua huyện Tây Sơn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đưa nhiều tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất; đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Huyện đã phối hợp xây dựng 91 mô hình phát triển sản xuất; gồm 70 mô hình trồng trọt (trong đó, 38 mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa với diện tích 1.718 ha; có 11.422 lượt hộ tham gia mang lại hiệu quả kinh tế cao); 12 mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, 4 mô hình nuôi thủy sản và 5 mô hình khác. Đến nay thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 27,5 triệu đồng/năm, tăng 11,7 triệu đồng so với năm 2011. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,6%. Tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở khu vực nông thôn đạt 91,2%...
Tính đến nay, toàn huyện đạt tổng số 186 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 13,28 tiêu chí. Có 4 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới là Bình Nghi, Bình Tường, Tây Xuân và Tây An. Trong giai đoạn 2016-2020, bên cạnh với việc tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 4 xã NTM, huyện Tây Sơn có 4 xã phấn đấu về đích NTM là Tây Thuận, Bình Hòa, Bình Thuận và Tây Phú.
Ngọc Hà