Thị xã An Nhơn: Chủ động phòng, tránh thiệt hại trong mùa mưa bão
Tập trung thi công đê kè Kim Châu, phường Bình Định.
Ông Lê Minh Toán, Phó Chủ tịch UBND thị xã, cho biết: “UBND thị xã đã kiến nghị Trung ương, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho thị xã củng cố đê sông vì hiện nay với 100km đê sông xung yếu nhưng hiện chỉ mới kiên cố trên 21km và có hàng chục đoạn đê sông đang xuống cấp nặng nguy cơ vỡ đê cao trong mùa mưa lũ đến. Để chủ động PCTT-TKCN, các xã, phường của thị xã An Nhơn đã tiến hành tổ chức họp nhân dân hướng dẫn các biện pháp để bà con nắm bắt, chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Qua rà soát, có 2.182 hộ, 8.989 nhân khẩu cần di dời (trong đó, 831 hộ với 3.229 nhân khẩu di dời tại chỗ và 1.351 hộ với 5.760 nhân khẩu sơ tán lên vùng cao đã bố trí sẵn) trước khi bão lũ ập đến.” Bên cạnh đó, UBND thị xã đã ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND chỉ đạo 15 xã, phường tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ các công trình phòng chống thiên tai tại các địa bàn dân cư dễ bị ảnh hưởng và các hộ dân sống ở những khu vực ven sông, suối, vùng trũng, ngập lụt sâu, thường bị cô lập. Chỉ đạo 100% xã, phường phải thành lập đội thanh niên xung kích phòng chống lụt bão (PCLB), biên chế từ lực lượng dân quân, công an xã, đoàn thanh niên, trực 24/24 giờ bảo vệ ứng cứu, giúp dân sơ tán và làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ các công trình trọng điểm.
Theo đó, các ngành chức năng (Thị đội, Công an, Y tế, Tài chính - Kế hoạch, Phòng Kinh tế, LĐ-TB&XH, Hội Chữ thập đỏ…) chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các cơ số thuốc, nước uống, phương tiện vận tải, cơ động kịp thời cứu trợ nhân dân vùng lũ bị cô lập dài ngày, khắc phục hậu quả thiệt hại và xử lý tốt vệ sinh môi trường sau lũ không để phát sinh dịch bệnh; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão. Tuyên truyền pháp luật về PCLB, các phương án PCLB, kịp thời thông báo cho nhân dân biết đường đi của bão, cấp bão và cấp báo động lũ để nhân dân chủ động thực hiện đề phòng.
Qua kiểm tra, khảo sát, toàn thị xã hiện có 32 đường tràn thoát lũ, nhưng mới có 17 tràn có thiết lập biển cảnh báo nguy hiểm, 16 tràn xây dựng cọc tiêu, còn lại chưa có biển báo, cọc tiêu. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và khi xảy ra lũ; cắt cử lực lượng cứu hộ trực 24/24 giờ hai đầu đường tràn, hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn; các xã, phường có bến đò tiến hành kiểm tra phương tiện đưa dò, buộc chủ đò làm cam kết hành khách đi đò đều mặc áo phao. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê kè trọng điểm bảo đảm an toàn vượt lũ, như đê kè Kim Châu, phường Bình Định. Đối với công trình thủy lợi trọng điểm hồ, đập, trong đó có hồ chứa nước Núi Một, tuyến đê bao ngăn lũ Nhơn Thuận... thị xã thành lập Ban chỉ huy, xây dựng phương án cụ thể huy động lực lượng quân đội (nòng cốt Cơ quan quân sự thị xã) và dân quân các xã Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ bảo vệ, ứng cứu và di dời kịp thời các hộ dân sống ở vùng hạ lưu khi có mưa lũ kéo dài./.
Xuân Thức