Tổ chức huấn luyện ứng phó thiên tai sạt lở núi huyện Tây Sơn năm 2024
Ủy ban nhân dân huyện ban hành Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 31/10/2024 về việc tổ chức huấn luyện ứng phó thiên tai sạt lở núi huyện Tây Sơn năm 2024.
Trong những năm qua, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, cường độ ngày một mạnh, xuất hiện các hiện tượng sạt lở núi khó lường. Nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự (trước ngày 01/7/2024 là Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện) (gọi tắt Ban Chỉ huy) các cấp, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng và sự chủ động của Nhân dân khi xảy ra thiên tai trên địa bàn huyện;, với các nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy, điều hành và xử lý kịp thời các tình huống thiên tai của Ban Chỉ huy các cấp; phát huy vai trò tham mưu của các ngành, đoàn thể ở địa phương; tăng cường công tác hiệp đồng giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện.
- Bổ sung, hoàn chỉnh nội dung phương án ứng phó thiên tai năm 2024 và các năm tiếp theo.
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, chủ động ứng phó thiên tai.
2. Yêu cầu
- Xây dựng tình huống sạt lở núi Cây Da, xã Bình Tường. Nội dung tình huống huấn luyện phải phù hợp với tình hình thiên tai tại địa phương và nhận định có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới.
- Huấn luyện phải thể hiện rõ phương châm “bốn tại chỗ” trong phương án ứng phó với sạt lở núi của chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
II. NỘI DUNG TÌNH HUỐNG HUẤN LUYỆN
1. Tình hình thời tiết và diễn biến giả định
- Tình hình thời tiết mưa lớn trong 02 ngày liên tục, với lượng mưa trên 150mm và tình hình mưa vẫn tiếp tục xảy ra.
- Độ rỗng của đất tại núi Cây Da, xã Bình Tường đã bão hòa hoàn toàn và có nguy cơ sạt trượt theo hiện trạng sạt lở cũ.
2. Các tình huống diễn tập
2.1. Công tác kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ ảnh hưởng sạt lở núi
UBND xã Bình Tường tổ chức kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ ảnh hưởng sạt lở núi và xác định các hộ dân cần phải di dời gấp.
2.2. Công tác chỉ đạo của UBND cấp xã
- Chủ tịch UBND xã Bình Tường chỉ đạo Đội xung kích phòng, chống thiên tai của xã tổ chức cắm bảng cảnh báo đặt 02 điểm đầu đường vị trí sạt lở.
- Chủ tịch UBND xã Bình Tường chỉ đạo Đội xung kích phòng, chống thiên tai của xã tổ chức hỗ trợ người dân di dời tài sản, gia súc, gia cầm và người về Trụ sở thôn Hòa Hiệp.
- Chủ tịch UBND xã Bình Tường cử lực lượng xung kích trực ban 24/24 tại khu vực sạt lở để theo dõi, hướng dẫn, cảnh báo người dân không được vào và đi qua khu vực có nguy cơ sạt lở.
2.3. Công tác hỗ trợ người dân di dời
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Bình Tường, Đội xung kích phòng, chống thiên tai của xã tổ chức hỗ trợ dân di dời theo hướng về Trụ sở thôn Hòa Hiệp và cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân phải di dời.
2.4. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai
Sau khi xảy ra sạt lở núi, Chủ tịch UBND xã Bình Tường chỉ đạo Đội xung kích phòng, chống thiên tai của xã và lực lượng phương tiện hỗ trợ của huyện tiến hành tổ chức thông thoáng dòng chảy, nạo vét bùn đất, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.
2.5. Công tác báo cáo cấp trên
- Chủ tịch UBND xã Bình Tường báo cáo nhanh về Chủ tịch UBND huyện bằng điện thoại (văn bản gửi sau), cập nhật thông tin vào hệ thống phần mềm ứng phó thiên tai của tỉnh về tình hình sạt lở núi và công tác chỉ đạo của UBND xã.
- Kịp thời tổ chức thống kê các thiệt hại sau thiên tai tại khu vực sạt lở và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ để ổn định cuộc sống của người dân theo quy định.
3. Thời gian, địa điểm và lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia
3.1. Thời gian: Tổ chức huấn luyện hoàn thành trước ngày 15/11/2024.
3.2. Địa điểm: Tổ chức huấn luyện tại thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường.
3.3. Lực lượng tham gia: Tổng số người tham gia 129 người (trong đó: Đại biểu khách mời tham dự 112 người; lực lượng tham gia diễn tập dự kiến 10 người và Ban phụ trách thôn tham dự 5 người, phóng viên 2 người).
3.4. Phương án, trang thiết bị, phương tiện tham gia diễn tập: Giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện đề xuất mua sắm để phục vụ huấn luyện, ưu tiên huy động trên địa bàn để bảo đảm nhiệm vụ huấn luyện ứng phó thiên tai.
4. Kinh phí diễn tập: Giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Dự toán chi tiết đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra, trình UBND huyện phê duyệt, làm cơ sở thực hiện.
III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC PHÒNG, BAN, NGÀNH VÀ ĐỊA PHƯƠNG
1. Giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện
- Là cơ quan Thường trực Ban tổ chức huấn luyện của huyện, chịu trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư huấn luyện và thực hành huấn luyện.
- Chủ trì, phối hợp với UBND xã Bình Tường và các phòng, ban, ngành liên quan xây dựng kịch bản huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế.
- Chủ trì xây dựng Dự toán huấn luyện chi tiết, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện kiểm tra, trình UBND huyện phê duyệt, làm cơ sở thực hiện.
2. Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện xây dựng kịch bản huấn luyện và xây dựng Dự toán huấn luyện đảm bảo đúng các tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.
- Tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện.
- Kết thúc huấn luyện, chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, ngành có liên quan tham mưu UBND huyện xem xét điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình thực tế.
3. Giao Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện
Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các phòng, ban, ngành có liên quan xây dựng kịch bản quay phim cho buổi huấn luyện. Đồng thời, trực tiếp quay phim, biên tập và đưa tin huấn luyện.
4. Giao các phòng, ban, ngành, hội, đoàn thể và đơn vị có liên quan: Phân công cán bộ tham dự huấn luyện ứng phó thiên tai.
5. UBND xã Bình Tường
- Nghiên cứu, quán triệt kế hoạch huấn luyện ứng phó thiên tai; phối hợp xây dựng kịch bản; chủ động triển khai toàn diện công tác chuẩn bị, tổ chức huấn luyện an toàn và đạt yêu cầu.
- Trên cơ sở tình huống dự kiến huấn luyện, chuẩn bị lực lượng tham gia trực tiếp, hỗ trợ trong quá trình huấn luyện.
- Chỉ đạo các bộ phận của UBND xã, Tổ xung kích phòng chống thiên tai thôn Hòa Hiệp làm tốt công tác chuẩn bị. Mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, đoàn thể xã và Ban phụ trách thôn Hòa Hiệp tham gia.
- Kết thúc huấn luyện, điều chỉnh phương án ứng phó thiên tai của xã phù hợp với tình hình thực tế.