A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuy Phước: Khánh thành công trình đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 16/8, UBND huyện Tuy Phước đã long trọng tổ chức Lễ Khánh thành Đền thờ Danh nhân văn hóa, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn.

Đào Tấn (1845 – 1907) tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng quê ở làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là một vị quan thanh liêm, cương trực, được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn soạn tuồng hát bộ, nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp Tuồng. Ông được coi là ông tổ của nghệ thuật hát bộ với những kiệt tác sân khấu bất hủ, như: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm hương các… Đặc biệt, ông đã để lại hậu thế một di sản nghệ thuật đồ sộ với hơn 1.000 bài thơ, từ, gần 100 vở tuồng và tập sách lý luận sân khấu mang tên Hý trường tùy bút cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Tháng 9 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận “Hát bội Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Các đại biểu nguyên là lãnh đạo tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh Bình Định và lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước cùng đại diện gia đình cụ Đào Tấn cắt băng khánh thành đền thờ.

Công trình Đền thờ Danh nhân văn hóa, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn được xây dựng tại quê hương ông ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, trên diện tích hơn 4.930m2, gồm các hạng mục: Đền thờ Đào Tấn; Nhà quản lý cùng các công trình phụ trợ khác như: Sân hành lễ, sân vườn, bồn hoa, công viên cây xanh, hệ thống tường rào, cổng ngõ, điện chiếu sáng… Tổng vốn đầu tư xây dựng Đền thờ hơn 9,3 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 3,2 tỉ đồng cho chi phí xây dựng và thiết bị, ngân sách huyện Tuy Phước và nguồn vốn huy động khác khoảng 6,135 tỉ đồng.

Phát biểu tại buổi Lễ Khánh thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường khẳng định: Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn được xây dựng nhằm tưởng nhớ, tri ân, đền ơn đáp nghĩa công lao của danh nhân văn hóa, vị hậu tổ sân khấu tuồng của nước nhà. Đồng thời, để nhân dân và du khách gần xa đến tưởng niệm, kính ngưỡng, tôn vinh sự nghiệp, sự cống hiến của ông đối với nền văn hóa dân tộc. Trước đó, các đại biểu về dự Lễ Khánh thành Đền thờ cũng đã đến viếng mộ cụ Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước.

Đại diện gia đình cụ Đào Tấn trao tặng bửu vật của gia đình là "sắc phong của vua Thành Thái cho cụ Đào làm tổng đốc An Tĩnh"  cho UBND huyện Tuy Phước để trưng bày tại Đến thờ vừa mới xây dựng.

Dịp này nhà hát tuồng Đào Tấn cũng tổ chức 2 đêm hát tuồng tại đình làng Vinh Thạnh 1 để phục vụ bà con trong vùng và du khách thập phương./.

Tin, ảnh: Xuân Vinh


Tin nổi bật Tin nổi bật