Tuy Phước: Mưa lũ làm thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng
Nhiều hộ dân ở xã Phước Thuận vẫn bị cô lập.
Cũng trong ngày 8/12, hơn 26.300 em học sinh các cấp ở 49/58 trường từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn huyện lại tiếp tục nghỉ học do nước lũ chia cắt.
Theo báo cáo nhanh của Ban Thường trực PCTT và TKCN huyện Tuy Phước, qua 2 đợt lũ chồng lũ từ ngày 29/11 đến 10h30 ngày 8/12, trên địa bàn huyện đã có 02 người chết, mưa lũ đã làm 59 căn nhà bị sập, gần 4000 căn nhà bị ngập nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân; Mưa lũ còn làm sạt lở 182 mét đê sông, thuộc địa bàn các xã: Phước Nghĩa, Phước Quang và Phước Hòa và làm hư hỏng cây cầu Huỳnh Đông ở thôn Tùng Giản xã Phước Hòa. Đặc biệt, đã làm ngập sâu 425 ha lúa Đông Xuân vừa gieo sạ của bà con ở 2 xã Phước Thành và Phước An, hoa màu bị hư hại khoảng 65 ha.... ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 6 tỷ đồng.
Ngày 7/12, được sự giúp đỡ của UBND huyện Tuy Phước và UBND xã Phước Thuận, qua nhiều phương tiện tăng bo, lúc 11 giờ cùng ngày, chúng tôi và một số đồng nghiệp đã tiếp cận được vùng lũ ở xã Phước Thuận. Ông Phan Thế Khoa – Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, chia sẻ: Qua 2 đợt lũ chồng lũ từ ngày 29/11 đến nay, trên địa bàn xã đã có 01 người chết và 08 căn nhà bị sập, riêng trong sáng nay ngày 7/12, tại địa phương đang có 6/8 thôn bị chia cắt bởi nước lũ nên đời sống của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đúng như những gì ông Khoa đã chia sẻ, trên đường vào thôn Nhân Ân trên con đò nhỏ giữa 4 bề sông nước, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang chèo đò giữa dòng nước để đi máy gạo hoặc mua lương thực. Bà Bảy Niểng một người chèo đò mà chúng tôi vô tình gặp trên đường, cho biết: khu vực nhà bà bị ngập nước đã nhiều ngày nay, lương thực dự trữ cũng không còn nên tôi phải chở lúa đi máy để có cái mà ăn. Biết đường sá ngập, đi lại nguy hiểm nhưng không đi không được.
Sau hơn 15 phút ngồi đò, chúng tôi mới tiếp cận được căn nhà bị sập hoàn toàn trong đợt lũ từ ngày 29.11 đến ngày 3.12, của chị Võ Thị Bích Dung (47 tuổi, ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận). Chị Dung tâm sự, do những ngày mưa lớn đã làm thấm vách tường đến khi nước lũ tràn vào và có gió mạnh nên ngôi nhà cũ không chống chọi nổi. Lúc nhà sập, cả nhà đã chạy ra ngoài nên chỉ thiệt hại về tài sản. Hiện nay 5 nhân khẩu trong ngôi nhà vừa bị sập của chị phải sống tá túc tại nhà một người chị ở gần đó. “Giờ tôi chỉ mong làm sao chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống.” Chị Dung, nói:
Theo sự hướng dẫn của ông Trương Đình Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, chúng tôi đến nhà của bà Phan Thị Hồng (57 tuổi, cũng ở thôn Nhân Ân), đang cặm cụi rửa mặt cho đứa con trai bị bệnh tâm thần và đưa đôi mắt vô hồn nhìn ngôi nhà bị sập hoàn toàn của mình, bà Hồng quặn lòng. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, không một mảnh ruộng, cả gia đình với 5 nhân khẩu chỉ sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Ngôi nhà chính là tài sản quý giá nhất của gia đình mà nay nó đã trở thành đống gạch vụn, giờ không biết lấy gì để xây lại.
Chị Võ Thị Bích Dung (47 tuổi, ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) bên căn nhà bị sập.
Huyện Tuy Phước nói chung và xã Phước Thuận nói riêng là một trong những vùng rốn lũ của tỉnh Bình Định, thế nhưng chưa bao giờ người dân vùng quê này gặp cảnh phải chống chọi với ba cơn lũ với mức ngập nặng tương tự nhau như vậy. Tài sản, nhà cửa, vườn tược, lúa giống của nông dân bị hư hỏng và đìa nuôi tôm, cá bị trôi mất… Hiện người dân Tuy Phước đang rất cần sự chung tay, chia sẻ của cả cộng đồng xã hội để sớm vượt qua trận thiên tai này./.
Tin, ảnh: Xuân Vinh