Vĩnh Thạnh khởi sắc nhờ tín dụng chính sách trợ lực
Theo bà Nguyễn Thị Lương Nguyệt, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu, mạnh dạn tiếp cận tín dụng chính sách (TDCS), ngân hàng đã phối hợp với nhiều hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của các chương trình TDCS. Cùng với đó là vận động người dân tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để tiện cho việc tư vấn, hướng dẫn vay vốn và sử dụng vốn vay.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh đến từng hộ dân để tư vấn, hướng dẫn các thủ tục vay vốn. Ảnh: T.SỸ
Tại Vĩnh Thạnh, các cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến hoạt động TDCS, bố trí điểm giao dịch tín dụng tại xã, giúp bà con giảm bớt thời gian đi lại. Hằng năm, huyện Vĩnh Thạnh còn trích ngân sách ủy thác cho ngân hàng để người dân vay vốn; chỉ đạo ngành chức năng, hội, đoàn thể tích cực tư vấn cho bà con lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…
Sự phối hợp có trách nhiệm giữa ngân hàng và các ngành chức năng trong thời gian dài giúp ngày càng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Ngay tại làng O2, xã Vĩnh Kim, làng xa nhất và đi lại khó khăn nhất tỉnh, TDCS cũng đã đến với 26 hộ dân. Theo ông Đinh Văn Lời, tổ trưởng tổ TK&VV làng O2, trước đây, người dân không dám vay vốn vì sợ làm ăn thua lỗ không trả được nợ. Nhờ cán bộ ngân hàng và các ngành chức năng nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn, làng đã thành lập tổ TK&VV với 56 hộ dân tham gia, trong đó có 26 hộ dân đã vay tổng cộng 723 triệu đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Hầu hết bà con sử dụng vốn đúng mục đích và thực tế cho thấy TDCS đã phát huy hiệu quả tích cực.
Nhờ TDCS, không ít hộ đồng bào các dân tộc thiểu số như hộ ông Đinh Văn Khuân (xã Vĩnh Thuận) và hộ bà Đinh Thị Hách (xã Vĩnh Hảo)… trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. “Nhờ được nhiều lần vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi có thêm điều kiện xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; có vốn để đầu tư trồng 4 ha keo, hơn 10 sào mì, điều, chuối và chăn nuôi bò. Nhờ đó đã có thu nhập khá và xây dựng được nhà ở khang trang”, bà Hách vui mừng chia sẻ.
Ông Huỳnh Đức Bảo - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hiện hoạt động TDCS đã phủ kín 59 thôn, làng của 9/9 xã, thị trấn. Đến cuối tháng 11.2024, 2.067 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 74,43% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện) đã được vay tổng cộng hơn 146 tỷ đồng, tăng 12,33 tỷ đồng so với đầu năm. TDCS đã và đang giúp bà con đầu tư phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng thu nhập, tạo việc làm; đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc trong đó TDCS góp phần không nhỏ.