A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã Cát Tân về đích nông thôn mới

Hơn 5 năm qua, xã Cát Tân (huyện Phù Cát) đã phát huy nội lực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ðến nay, Cát Tân đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.

Kênh mương phục vụ sản xuất ở Cát Tân. Ảnh: Hoài Trung.

Ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hơn 5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, xã đã đầu tư hơn 54 tỉ đồng xây dựng hạ tầng nông thôn; trong đó vốn Trung ương hỗ trợ gần 5 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ trên 17 tỉ đồng, huyện trên 2,69 tỉ đồng, ngân sách xã 19,59 tỉ đồng, nhân dân đóng góp gần 9,36 triệu đồng. Qua soát xét, đến tháng 6.2016 xã đã đạt 19/19 tiêu chí; là xã thứ 4 ở Phù Cát về đích NTM.

Từ một xã nông nghiệp nhưng luôn gặp khó khăn về nước tưới, địa phương đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, hơn 300 ha sản xuất lúa hàng năm được chuyển sang sản xuất cây trồng cạn. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn được triển khai trên diện tích 150 ha; xây dựng mô hình sản xuất có giá trị thu nhập trên 100 triệu/ha với tổng diện tích 15 ha... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục tăng trưởng khá. Chăn nuôi được chú trọng phát triển dưới hình thức trang trại, gia trại, chăn nuôi an toàn sinh học...

Cơ sở hạ tầng được xã chú trọng đầu tư xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay, toàn xã đã xây dựng, bê tông hóa và cứng hóa gần 63 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 8,2 km kênh mương, cùng với hệ thống kênh Văn Phong đi qua địa bàn và 3 hồ chứa nước, 17 đập dâng nhỏ cùng 2 trạm bơm, đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, với hơn 70% diện tích canh tác hàng năm đảm bảo nước tưới.

Bên cạnh đó, Cát Tân đã tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo mọi thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các ngành nghề như sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, làm nón lá; các dịch vụ vận tải, kinh doanh vật tư xây dựng, phân bón, ăn uống (có 1.032 cơ sở kinh doanh dịch vụ, 245 đầu xe) góp phần giải quyết việc làm, đưa tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 70% trong cơ cấu kinh tế của xã.

Kinh tế phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư, bộ mặt nông thôn Cát Tân ngày càng đổi mới; xã không còn nhà ở đơn sơ, dột nát; 92,2% người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; 99,5% hộ dân sử dụng điện. Toàn xã có 93,1% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% thôn đạt thôn văn hóa. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 35,37 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,2%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, bản sắc văn hóa được giữ gìn, dân chủ được phát huy; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 95,6% đội ngũ cán bộ, công chức xã đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Lê cho biết thêm: Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục phát huy dân chủ, đề cao vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vận động nhân dân phát triển sản xuất; khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được một cách bền vững.

Nguồn: Báo Bình Định


Tin nổi bật Tin nổi bật