“Chung tay vì cộng đồng”: Đảm bảo tính bền vững của Chương trình
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Chi nhánh Viettel Bình Định ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác Chương trình “Chung tay vì cộng đồng”
- Thoát nghèo bền vững
Ban Vận động Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” được thành lập theo Quyết định số 17/QĐ-MTTQ gồm 18 thành viên, do ông Phan Phi Hổ-Chủ tịch MTTQVN tỉnh làm Trưởng ban. Ban Vận động có trách nhiệm vận động chương trình tham gia vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh với thông điệp “Mỗi khách hàng đồng ý tham gia ủng hộ chương trình “Chung tay vì cộng đồng” bằng cách đăng ký sử dụng một trong các dịch vụ của Viettel theo quy định: thuê bao di động trả sau, thuê bao Dcom trả sau, thuê bao FTTH… Viettel sẽ trích 1 triệu đồng/thuê bao để tạo nguồn mua bò cho các hộ nghèo thuộc 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh của tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, đợt 1 của chương trình đã mua được 85 con bò giống lai sind (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) để trao tặng cho người dân nghèo 3 huyện vào tháng 11.2014.
Ông Phan Phi Hổ- Chủ tịch MTTQVN tỉnh, Trưởng Ban Vận động, nhấn mạnh: Chương trình mang tính ý nghĩa thực tiễn đặc biệt cho các hộ nghèo. Mỗi người góp một tay, đảm bảo tính bền vững của Chương trình, từ đó sẽ có nhiều bò cho bà con thoát nghèo bền vững.
- Phát triển vững bền
Ngày 28/10, tại Lễ ra mắt ban Vận động Chương trình “Chung tay vì cộng đồng”, các đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến thiết thực phù hợp với từng địa phương thảo luận để tìm ra phương án tốt nhất phát triển Chương trình, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Căn cứ vào tình hình thực tế, bò được cung cấp từ Chương trình là giống bò lai, trong khi đó các hộ nghèo ít có điều kiện tiếp xúc với các kỹ thuật chăn nuôi cơ bản. Việc thẩm định tiêu chuẩn đàn bò phải được hỗ trợ: về chủng loại, chất lượng giống, độ tuổi, tình trạng sức khỏe… là cần thiết. Bên cạnh đó, việc xây dựng chu trình kỹ thuật chăn nuôi bò, hướng dẫn các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đến các hộ nghèo cũng không kém phần quan trọng.
Ông Lưu Ngọc Cường, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh phát biểu: Cần cơ cấu thêm bộ phận thú y vào Ban Vận động để kiểm soát chất lượng bò ngay từ lúc đơn vị cung ứng giao bò, đảm bảo điều kiện sức khỏe của đàn bò hỗ trợ phát triển.
Khí hậu của 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh là nhiệt đới ẩm, mưa mùa. Những giống cây trồng, vật nuôi nếu không thích ứng kịp với thời tiết sẽ khó tồn tại. Ông Huỳnh Cao Nhất - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, yêu cầu đơn vị cung ứng bò cung cấp giống bò ăn cỏ. Bên cạnh đó, đơn vị phải có địa chỉ rõ ràng để hỗ trợ bà con trong kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản.
Để đảm bảo tính thích nghi cao và sự phát triển bền vững của đàn bò hỗ trợ, ông Đỗ Tùng Lâm-Phó Chủ tịch huyện An Lão đưa ra kiến nghị đơn vị cung ứng nên thu gom bò ở các địa phương này (sản phẩm của các Chương trình khác) để cung cấp bò cho Chương trình. Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ đợt trao tặng tặng này, đợt trao tặng sau nên chọn thời điểm nắng ấm để đàn bò dần thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương mà phát triển tốt hơn.
Trách nhiệm của hộ nghèo được hỗ trợ cũng gắn chặt Chương trình. Khi đến địa điểm giao bò, các hộ nghèo phải ký cam kết với Ban Vận động về việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng bò. Các hộ phải thường xuyên thông tin trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò để chương trình thực sự phát huy tác dụng đối với các hộ nghèo, từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tạo cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng-an ninh../.
Bài, ảnh: Lê Kim Yến