|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấm biển, trực chiến 24/24h ứng phó với bão số 4

Trưa nay (29.11), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Bình Định về phương án chỉ đạo ứng phó với bão số 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: "Toàn bộ tàu thuyền đã thoát khỏi vùng nguy hiểm"


Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết, từ 19 giờ ngày 28.11 đến 7 giờ ngày 29.11, trên địa bàn tỉnh Bình Định hầu như không có mưa. Mực nước các sông trong tỉnh dưới báo động 1, riêng tại Thạnh Hòa trên báo động 1. Lúc 7 giờ 29.11, mực nước tại An Hòa 19.60, Bồng Sơn 1.82, Vĩnh Sơn 68.56, Bình Nghi 14.26, Thạnh Hòa 6.14. Do nắng hạn kéo dài, mực nước các hồ chứa đều thấp so với thiết kế. Tại thời điểm trên, dung tích hồ Định Bình là 120 triệu/226 triệu m3, hồ Núi Một gần 25 triệu/110 triệu m3, hồ Hội Sơn 17 triệu/ 44 triệu m3… 

Neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Quy Nhơn.


Ông Hổ báo cáo, với tổng dung tích hồ chỉ đạt 270 triệu/ 575 triệu m3, bằng 47% dung tích thiết kế và bằng 86% so với cùng kỳ năm trước, hệ thống hồ đập hiện hữu, đặc biệt là hồ Định Bình ở thượng nguồn sông Kôn hoàn toàn có khả năng ngăn lũ, chặn lũ nếu có mưa to trước, trong và sau bão.

Về tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng và Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bình Định có 6.767 tàu với 43.211 người. Số tàu hoạt động ven bờ đã vào các khu neo đậu là 4.049 chiếc với 21.911 người (các tàu đánh bắt từ Phú Yên đến Bình Thuận đã vào neo đậu 291 chiếc với 2.428 người; Thừa Thiên Huế - Quảng Ninh 65 chiếc với 657 người; Bà Rịa Vũng Tàu – Kiên Giang 1.839 chiếc với 14.904 người)… Cho đến trưa 29.11, toàn bộ tàu thuyền đánh bắt trên biển đã ra khỏi vùng nguy hiểm trong đó có 62 chiếc với 434 người ở vùng biển Hoàng Sa, giữa Hoàng Sa – Trường Sa là 22 chiếc với 154 người; Trường Sa là 439 chiếc với 2.723 người. 

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm được xác định từ 100 – 150 vĩ bắc. Bộ đội Biên phòng, Chi cục Khai thác - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn, các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn và gia đình các chủ tàu đã liên lạc, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền nhanh chóng về bờ, tìm nơi neo đậu an toàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, địa phương này đã chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 4 từ 2 ngày trước. “Ngay chiều 28.11, mặc dù chưa có lệnh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và chưa kịp ban hành văn bản chính thức, Bình Định đã tiến hành cấm biển trên thực tế. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố triển khai biện pháp chống bão. Trong ngày hôm nay, 29.11, nhiều đoàn công tác của tỉnh đã về các địa phương trực tiếp chỉ đạo và phối hợp điều hành ứng phó thiên tai theo chế độ “trực chiến” 24/24 giờ. Các cơ quan biên phòng, tỉnh đội, công an được đặt trong tình trạng sẵn sàng, bất kể ngày đêm, hễ có lệnh là lên đường làm nhiệm vụ. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Cty Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, Cty Cổ phần Thủy điện Trà Xom hạ thấp mực nước hồ Định Bình, hồ Trà Xom 1 về mực nước thấp nhất để đón lũ”.

Biểu dương sự chủ động của Bình Định trong việc xây dựng, triển khai phương án chống lũ, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu phải thực hiện triệt để lệnh cấm biển, không chỉ đối với tàu thuyền mà cả ở khu vực nuôi trồng thủy sản. Nhắc lại diễn biến phức tạp của thời tiết hồi 2012, 2013, khi mưa ở khu vực Vân Canh đặc biệt lớn khiến nước lũ tràn về Sông Cầu, Đồng Xuân, Phú Yên gây hậu quả nặng nề, Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý: “Công tác phòng chống thiên tai cần phải linh hoạt. Không nên quá lệ thuộc vào kế hoạch định sẵn. Thực tế cho thấy, nhiều khi chúng ta làm rất tốt ở thời điểm trước và ngay khi bão vô; tài sản, tính mạng nhân dân không bị tổn thất nhiều. Tuy nhiên, mất mát lớn, đặc biệt là mất mát về con người, lại diễn ra ngay sau đó. Rất đau xót. Cần lường trước tình huống bất thường sau bão để có thể đủ nhân lực, phương tiện sẵn sàng can thiệp. Chống bão, nhưng các đồng chí không được lơ là nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là ở các vùng xung yếu như An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh…”. 

Trong thời gian làm việc tại Bình Định, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra tình hình dời dời, neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Quy Nhơn. Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã rời Bình Định vào Phú Yên.

 

Theo laodong.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật