Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu 20% số xã đạt chuẩn vào năm 2015
Quang cảnh hội nghị.
Năm 2014, phong trào xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ ở hầu khắp các địa phương. Bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương đã chủ động vận dụng, ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tập trung các nguồn lực, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương đã huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện các nội dung của Chương trình với số vốn đạt tới 157.814,170 tỷ đồng.
Với những nỗ lực đó, đến nay cả nước có 785 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia (8,8%), 1.285 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (14,5%), 2.836 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (32,1%), 2.964 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (33,6%), 945 xã đạt dưới 5 tiêu chí (11%) và không có xã trắng tiêu chí. Trong 11 xã điểm của Ban Bí thư Trung ương, hiện đã có 09 xã đạt cả 19 tiêu chí, chỉ còn 2 xã Thanh Chăn (Điện Biên), Định Hòa (Kiên Giang) chưa đạt chuẩn.
Riêng tại Bình Định, có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (5,8%), 20 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí (16,4%), 55 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí (45,1%), 37 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (30,3%), 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí (2,4%). Số tiêu chí đạt bình quân/xã là 11,4 tiêu chí; cao hơn 1,4 tiêu chí so với bình quân chung cả nước đến cuối năm 2014.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề ra mục tiêu hoàn thành 20% số xã đạt chuẩn vào năm 2015; đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 xã đạt chuẩn trở lên, có trên 05 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại Hội nghị, các địa phương đã chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới và đề xuất nhiều ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình như tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu vùng xa, quan tâm đào tạo đội ngũ lao động ở địa phương, sửa đổi một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tế, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chính sách đã ban hành, thay đổi quy định về thời gian công nhận xã nông thôn mới cho phù hợp hơn, bổ sung nguồn vốn ưu tiên cho vùng đặc biệt khó khăn, tiếp tục phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh “vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương đề cao trách nhiệm, khắc phục những hạn chế, quan tâm chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp, có chương trình, kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm đạt mục tiêu 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Hoàn thành kế hoạch tổ chức sơ kết 5 năm 2011 – 2015 và xây dựng Chương trình giai đoạn 2016 – 2020. Rà soát, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế, cụ thể là chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất công nghệ, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và sản xuất trên địa bàn nông thôn, chính sách khuyến khích liên kết hợp tác sản xuất đa dạng; chính sách tín dụng; chính sách đặc thù cho đồng bào vùng đồng bào khó khăn, vùng sâu vùng xa. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Điều hành lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh Chương trình. Rà soát, bổ sung các tiêu chí cho phù hợp hơn với thực tế, đặc biệt là cho các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời những gương điển hình tiên tiến./.
Theo KL (vpubbinhdinh)