|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao lưu trực tuyến “Về chính chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 4.12, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Về chính chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”. Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Mừng và Phó Giám đốc BHXH tỉnh Võ Năm đồng chủ trì buổi giao lưu trực tuyến.


Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Mừng (trái) và Phó Giám đốc BHXH tỉnh Võ Năm đồng chủ trì buổi giao lưu trực tuyến.

Nội dung buổi giao lưu trực tuyến: 

Trần An Phú - 08:41, 03/12/2018

Tôi là công dân bình thường, hiện tôi 28 tuổi, tôi được biết có thể mua BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Cho tôi hỏi, bây giờ tôi mua BHXH tự nguyện như thế nào? Cách thức mua và mua ở đâu? Hàng tháng tôi đóng khoảng bao nhiêu tiền? Nếu tôi đóng đủ 20 năm thì tôi 53 tuổi, khi đó tôi có hưởng lương hưu chưa? Hay tôi phải đợi đến khi tôi hết tuổi lao động 60 tuổi mới được hưởng? Và trong khoảng từ 53 đến 60 tuổi là 7 năm thì tôi có phải đóng BHXH tự nguyện nữa không?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:12, 04/12/2018

Cảm ơn Ông đã tham gia Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi xin trả lời như sau:

Theo khoản 1, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định thì hiện nay, có 6 cách mà người lao động có thể áp dụng đóng BHXH để được hưởng lương hưu.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 3 tháng một lần;

- Đóng 6 tháng một lần;

- Đóng 12 tháng một lần;

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Ông có thể đến Đại lý thu xã , phường; Đại lý thu Bưu điện hoặc cơ quan BHXH huyện nơi ông cư trú để làm các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện.

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng BHXH tự nguyện như sau:

- Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

- Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là 700.000 đồng/tháng (theo Quyết  định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Trường hợp ông 53 tuổi đóng BHXH đủ 20 năm, thì ông chưa được hưởng lương hưu. Đến khi ông đủ 60 tuổi thì mới hưởng lương hưu theo quy định. Từ 53 tuổi đến 60 tuổi, nếu ông tiếp tục đóng BHXH thì mức hưởng lương hưu của ông sẽ cao hơn.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Trần Văn Phúc - 08:44, 03/12/2018

Tôi đóng BHXH được 12 năm. Tôi muốn đóng BHXH tự nguyện 1 lần để sau này được hưởng lương hưu có được không? Tôi phải đóng bao nhiêu tiền?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:16, 04/12/2018

Cảm ơn Ông đã tham gia Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi xin trả lời như sau:

Theo khoản 1, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định thì hiện nay, có 6 cách mà người lao động có thể áp dụng đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 3 tháng một lần;

- Đóng 6 tháng một lần;

- Đóng 12 tháng một lần;

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Do đó, Ông chỉ có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu 8 năm để hưởng lương hưu khi ông đã đủ tuổi về hưu, cụ thể là 60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ giới

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng BHXH tự nguyện như sau:

- Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

- Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là 700.000 đồng/tháng (theo Quyết  định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Cán bộ BHXH tỉnh tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu.

 Mai Anh Đào - 08:32, 03/12/2018

Tôi đóng bảo hiểm thất nghiệp được 3 năm. Vừa qua tôi bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động; hiện vẫn chưa tìm được việc làm mới. Nếu làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tôi sẽ được hưởng bao nhiêu tháng, mức hưởng so với lương lúc đi làm thế nào? Nếu đã hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi thì sau này thời gian đóng BHXH của tôi để tính hưởng các chế độ BHXH có bị ảnh hưởng gì không?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:35, 04/12/2018

Cảm ơn Bạn đã tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến. Vấn đề Bạn hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

Bạn đóng bảo hiểm thất nghiệp được 03 năm, hiện đã chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm mới. Nếu làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm:

1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng./.

 Mai Trang - 08:47, 03/12/2018

 

Chào anh chị!Anh/ chị, cho em hỏi công ty em làm tạm thời chưa đóng bảo hiểm cho nhân viên. Nếu tính theo mức lương trung bình thì hiện tại em phải đóng bao nhiêu ạ. Em xin cảm ơn.

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:33, 04/12/2018

Cảm ơn bạn đã tham gia buổi giao lưu trực tiếp hôm nay.

- Theo Khoản 3, Điều 7, Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2013:

Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó:

a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

c) Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

- Theo Điều 3, Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2017 quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo HĐLĐ hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018:

1. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:

a) Mức 3.980.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

b) Mức 3.530.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

c) Mức 3.090.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

d) Mức 2.760.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV./.

Cán bộ BHXH tỉnh tham gia trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu trực tuyến.

 Phạm Thanh Tú - 08:38, 03/12/2018

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ gì? Và khi dừng đóng BHXH tự nguyện có được bảo lưu thời gian đóng BHXH không?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:32, 04/12/2018

Cảm ơn Ông đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi xin trả lời như sau:

Theo quy định của Luật BHXH 2014 người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 chế độ : Hưu trí và tử tuất. 

Tại Điều 78 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định bảo lưu thời gian đóng BHXH, tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu quy định: Người lao động dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 73 hoặc chưa nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 77 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội./.

Mỹ Linh - 08:30, 03/12/2018

Xin hỏi chương trình, trường hợp lao động nữ phải phá thai theo chỉ định của bác sĩ do thai bị bệnh lý có được hưởng chế độ thai sản không? Chế độ được tính như thế nào?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:30, 04/12/2018

Xin cảm ơn Bạn đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Vấn đề Bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:

- Trường hợp lao động nữ phá thai theo chỉ định của bác sỹ thì được hưởng chế độ thai sản.

- Chế độ được tính theo quy định tại Điều 33 Luật BHXH số 58/2014/QH 13 ngày 20/11/2014 như sau:

1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a)10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần./.

Nguyễn Thế Toàn - 08:39, 03/12/2018

Bố tôi hơn 60 tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đang hưởng lương hưu . Tuy nhiên ông mới nhận lương hưu được 4 tháng thì bố tôi tai nạn qua đời. Vậy gia đình tôi có thể nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất không? Tôi có thể nhận mai táng phí là bao nhiêu?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:28, 04/12/2018

Cảm ơn bạn đã tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến. Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Bố bạn đang hưởng lương hưu tự nguyện được 04 tháng thì không may bị tai nạn qua đời. Gia đình bạn được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định như sau:

Theo Điều 80 Luật BHXH năm 2014 quy định về trợ cấp mai táng:

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;

b) Người đang hưởng lương hưu.

2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

Theo Điểm 3 Khoản 1 Điều 81 Luật BHXH năm 2014 quy định về trợ cấp tuất:

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu./.

Phan Thái Bảo - 08:35, 03/12/2018

Tôi xin hỏi quý cơ quan về thời điểm đóng BHXH tự nguyện 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Tôi là nam, đã tham gia BHXH bắt buộc được 15 năm và đã nghỉ thôi việc từ 01/6/2018. Xin được hỏi thời điểm nào tôi được đóng tiền BHXH tự nguyện một lần 6 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:27, 04/12/2018

Cảm ơn Bạn đã tham gia buổi Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Bạn hỏi xin trả lời như sau:

Tại Điều 6 Nghị định số 134/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định:

1. Thời điểm hưởng lương hưu tính từ tháng liền kề sau tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Cảm ơn Bạn đã tham gia chương trình giao lưu./.

 Thành Tâm - 08:31, 03/12/2018

Xin, quý anh (chị) cho tôi viết quy định cụ thể về việc tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay có gì khác so với trước đây?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:25, 04/12/2018

Cảm ơn bạn đã tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến. Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo Khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức lương hưu hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện:

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%./.

Trần Thế Vỹ - 08:33, 03/12/2018

Bố tôi hơn 60 tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đang hưởng lương hưu . Tuy nhiên, ông mới nhận lương hưu được 4 tháng thì bố tôi tai nạn qua đời. Vậy gia đình tôi có thể nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất không? Tôi có thể nhận mai táng phí là bao nhiêu?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:21, 04/12/2018

Cảm ơn bạn đã tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến. Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Bố bạn đang hưởng lương hưu tự nguyện được 04 tháng thì không may bị tai nạn qua đời. Gia đình bạn được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định như sau:

Theo Điều 80 Luật BHXH năm 2014 quy định về trợ cấp mai táng:

1. Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;

b) Người đang hưởng lương hưu.

2. Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều này chết.

Theo Điểm 3 Khoản 1 Điều 81 Luật BHXH năm 2014 quy định về trợ cấp tuất:

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; trường hợp chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu.

 Lê Tiến Toàn - 08:43, 03/12/2018

Tôi tham gia BHYT hộ gia đình được 9 năm. Nay tôi phát hiện bị ung thư phổi. BHYT có chi trả viện phí cho tôi không? Mức phí bao nhiêu?

Ông Nguyễn Đức Anh - Trưởng phòng Giám định BHXH - 09:00, 04/12/2018

Cảm ơn Bạn đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình do Sở Thông tin & Truyền thông và BHXH tỉnh tổ chức.

Cơ quan BHXH trả lời câu hỏi của Bạn như sau:

Theo quy định tại điểm g, khoản1, Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, bạn tham gia BHYT theo hộ gia đình được hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng KCB BHYT. Như vậy, trường hợp của bạn bị ung thư phổi khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế có ký hợp đồng BHYT thì được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB. Trường hợp bạn tham gia BHYT có từ 5 năm liên tục trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì bạn được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh tiếp theo./.

 Lâm Thành An - 08:32, 03/12/2018

Tôi là giáo viên có tham gia bảo hiểm xã hội. Còn vợ tôi làm nội trợ không tham gia bảo hiểm xã hội, khi vợ tôi sinh con (sinh thường). Tôi được nghỉ thai sản cho lao động nam bao nhiêu ngày? Nếu được nghỉ thì số ngày nghỉ có được hưởng lương không?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:59, 04/12/2018

Xin cảm ơn Ông đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay.

 Căn cứ vào Khoản 2, Điều 34 Luật BHXH số 58/2014/QH 13 ngày 20/11/2014 quy định như sau:

Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. 

Đối với vợ sinh thường thì Ông đước nghỉ 05 ngày làm việc.

Trường hợp của Ông đã nghỉ hưởng chế độ BHXH khi vợ sinh con thì số ngày nghỉ không được hưởng lương./.

 Hồ Đắc Duy - 08:11, 03/12/2018

BHYT tự nguyện hộ gia đình có gia giảm phí theo số người tham gia không ạ? Cụ thể là được tính như thế nào?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:55, 04/12/2018

Cảm ơn Ông đã tham gia Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi xin trả lời như sau:

Tại Điểm e Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng của tất cả các thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT hộ gia đình như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ví dụ: Trường hợp 05 người của gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình đóng một lần cho cả năm, số tiền đóng BHYT được xác định như sau (giả sử mức lương cơ sở nhà nước quy định tại thời điểm là 1.390.000 đồng):

- Người thứ nhất: 1.390.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 750.600 đồng.

- Người thứ hai: 750.600 đồng x 70% = 525.420 đồng.

- Người thứ ba: 750.600 đồng x 60% = 450.360 đồng.

- Người thứ tư: 750.600  đồng x 50% = 375.300 đồng.

- Và từ người thứ năm trở đi có mức đóng: 750.600 đồng x 40% = 300.240 đồng./.

 Hoàng Văn Nhân - 08:37, 03/12/2018

Hiện nay, tôi đang tham gia BHXH bắt buộc tại Công ty, nếu bây giờ tôi xin nghỉ việc về nhà dạy kèm nhưng vẫn muốn đóng BHXH để có chế độ hưu trí sau này. Vậy tôi có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện được hay không? Khi đóng có được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN không? Mức đóng như thế nào? Có chế độ nào ưu tiên cho người khuyết tất không?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:53, 04/12/2018

Cảm ơn Ông đã tham gia Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Ông hỏi xin trả lời như sau:

Theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13; Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện: Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên Ông được quyền tham gia BHXH tự nguyện và đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, mức đóng hiện nay là 22% x mức lương ông lựa chọn đóng nhưng không thấp hơn mức chuẩn nghèo đa chiều khu vực nông thôn (mức quy định hiện nay là 700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Khi ông tham gia BHXH tự nguyện ông được hưởng quyền lợi về 02 chế độ: hưu trí và tử tuất. Không có chế độ về BHYT, BHTN.

Hiện nay chưa có quy định ưu tiên cho người khuyết tật khi tham gia BHXH tự nguyện./.

 Hoàng Ngọc Tú - 08:33, 03/12/2018

Tôi là cán bộ nữ chuẩn bị đến tuổi về hưu, cho tôi hỏi người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm nếu đóng BHXH tự nguyện một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu thì được hưởng lương hưu từ thời điểm nào?

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:51, 04/12/2018

Xin cảm ơn Bà đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay. Vấn đề Bà hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau:

Khi Bà đã đủ tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu thì bà đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 134/2015/CP-CP ngày 29/12/2015.

Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu./.

Nguyễn Thị Loan - 08:34, 03/12/2018

Tôi đóng BHXH tự nguyện có thời gian là từ tháng 10/2012 cho đến tháng 3/2018. Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi không tiếp tục đóng được. Nay tôi xin chấm dứt để rút tiền BHXH ra được không? Và được rút bao nhiêu tiền? Xin hướng dẫn tôi.

Bà Văn Thị Hồng Thảo - Trưởng phòng Chế độ BHXH - 08:41, 04/12/2018

Cảm ơn bạn đã tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến. Chúng tôi xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội quy định về thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động:

1. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi./.

 Đoàn Thị Nhi - 08:09, 03/12/2018

Gia đình tôi có 4 người, 3 người có BHYT do cơ quan và trường học đóng. Tôi tham gia BHYT tự nguyện tại địa phương nhưng cán bộ y tế lại bắt tôi làm giấy tờ xác nhận các loại mới chịu bán BHYT cho tôi. Tôi thấy rất phức tạp, BHXH tỉnh quy định như thế nào về thủ tục này?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:41, 04/12/2018

Cảm ơn Bạn đã tham gia buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay. Vấn đề Bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

Tại khoản 1, Điều 25 của Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định.

Lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS.

Không phải cung cấp giấy tờ nào khác không có trong quy định của Điều này.

Cảm ơn Bạn đã tham gia buổi Giao lưu trực tuyến hôm nay./.

 Lê Duy Thanh - 08:06, 03/12/2018

Tôi làm việc tại TPHCM, hộ khẩu tại Bình Định, tôi muốn mua BHYT tại đây, thủ tục thế nào?

Bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân - Phó Trưởng phòng Quản lý Thu - 08:39, 04/12/2018

Cảm ơn Bạn đã tham gia buổi Hội nghị trực tuyến hôm nay. Vấn đề Bạn hỏi xin trả lời như sau:

Câu hỏi của Bạn chưa nêu rõ, làm việc tại TPHCM là làm việc tự do hay làm việc theo hợp đồng lao động tại đơn vị nên xin được trả lời như sau:

- Nếu bạn làm việc thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật BHXH năm 2014 thì Bạn không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình.

-  Nếu Bạn làm việc không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật BHXH năm 2014 thì Bạn tham gia BHYT theo hộ gia đình. Thủ tục liên hệ đại lý thu Bưu điện văn hóa xã, đại lý thu UBND xã, phường, thị trấn nơi Bạn đăng ký tạm trú hoặc thường trú lập tờ khai mẫu TK1-TS theo Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Cảm ơn Bạn đã tham gia chương trình./.

 



Tin nổi bật Tin nổi bật