Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”
Quang cảnh hội thảo "Bình Định với chữ quốc ngữ"
Đồng chủ trì hội thảo có: GS-TS Đặng Vũ Minh (Liên hiệp các hội KH-KT VN), GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN), Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN), Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, PGS-TS Nguyễn Công Đức (Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM), GS Hoàng Chương (Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc VN).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh KL
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh, chữ Quốc ngữ có lịch sử hình thành và phát triển đến nay gần 400 năm. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ không chỉ là một thành tựu khoa học vĩ đại mà còn là một thắng lợi to lớn trong lịch sử đấu tranh dân tộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đối mới, giao lưu và hội nhập quốc tế. Chữ Quốc ngữ trở thành nét bản sắc văn hóa dân tộc, là công cụ hữu hiệu góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc, tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng tiếp cận văn minh thế giới.
Mảnh đất và con người Bình Định cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, do đó hội thảo lần này là cơ hội để Bình Định góp phần làm sáng tỏ thêm nguồn gốc, xuất xứ của chữ Quốc ngữ, từ đó tạo cơ sở cho Bình Định tiếp tục đầu tư bảo tồn, tôn vinh, phát huy các tài sản văn hóa quý giá, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Đô thị Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, tác giả... đã trình bày 72 bài tham luận trong đó có 26 tham luận về quá trình hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, 22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”.
Phần lớn các bài tham luận đều tập trung làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ (1618-1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).
Hội thảo lần này mang nhiều ý nghĩa rất quan trọng, những nội dung về chữ Quốc ngữ được các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong cả nước bàn luận đều nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định - nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo./.
Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh