|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai quật nhiều phù điêu tại phế tích tháp Chăm Bình Định

Khai quật phế tích tháp Rừng Cấm (Bình Định), các nhà khảo cổ phát hiện bức phù điêu Nữ thần diệt quỷ, mang đặc trưng Chăm, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 12 - đầu thế kỷ 13.

Bệ thờ có hoa văn hình cánh sen mang phong cách tháp Mẫm và một số mảnh trang trí được tìm thấy ở phế tích tháp Chăm Rừng Cấm. 


Năm 2014, phế tích tháp Chăm Rừng Cấm tại thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, Bình Định lần đầu tiên được khai quật. Đây là khu vực trước đây các vua Chăm xây dựng khá nhiều kiến trúc tôn giáo.

Sau khi tiến hành khai quật thám sát 4 hố trên khu phế tích, đoàn khảo cổ do tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) thu được nhiều hiện vật đáng giá. Chiếm số lượng nhiều nhất là các trang trí kiến trúc hình tai lửa đất nung và đá, ngói âm dương, ngói mũi lá, gốm men Việt Nam, gốm Chăm, một số mảnh phù điêu mặt Kala (Thần thời gian), mảnh bàn tay đang cầm nắm linh vật có thể là một phần của tượng thần Shiva (Thần huỷ diệt và sáng tạo)... Một hiện vật hiếm thấy trong các di tích Chăm pa, được phát hiện làm bằng kim loại đồng không có hoa văn trang trí.

Trong số hơn 650 hiện vật tìm thấy có bức phù điêu thần Mahisha-Mardini (Nữ thần diệt quỷ) và bệ thờ có hoa văn hình cánh sen mang phong cách tháp Mẫm. Đây là các tiêu bản đẹp, làm bằng đá, kích thước lớn, còn khá nguyên vẹn. Theo TS Đinh Bá Hòa, phù điêu thần Mahisha-Mardini được dùng để trang trí trong khám thờ trên vòm cửa chính tháp Chăm.

So sánh qua các kiến trúc đã được định niên đại và sản phẩm lò nung gốm Chăm, đoàn khảo cổ xác định, khu phế tích tháp Rừng Cấm có niên đại khoảng cuối thế kỷ 12 đầu 13.

Cuộc khai quật còn làm phát lộ các nền móng kiến trúc khu phế tích tháp Rừng Cấm gồm một tháp chính, tháp cửa và tháp cổng, khá nhiều ngói lợp kích cỡ khác nhau. Một số loại ngói có niên đại từ thế kỷ 8-9, đa số là ngói móc hình mũi lá thế kỷ 13-15. "Điều này cho thấy, khu tâm linh ban đầu được hình thành bằng nhà mái lợp, sau đó mới xây khu kiến trúc tháp gạch", TS Hòa nêu trong báo cáo công bố kết quả khai quật vào tháng 10.

Kỹ thuật xây dựng khu tháp Rừng Cấm khá tương đồng với kỹ thuật dựng các khu tháp thuộc phong cách Bình Định nhưng không theo trật tự. Thường các tháp gạch xây theo hàng lối, nhưng ở tháp Rừng Cấm gạch xây khá lộn xộn.

Cách xử lý móng tháp Rừng Cấm cũng khác biệt. Các khu tháp khác thường được xử lý mặt bằng rồi cho một lớp cuội sông, pha lẫn cát trộn với keo thực vật đầm dện kỹ, từ mặt nền này đá ong được ghép khít từ dưới lên. Ở phế tích Rừng Cấm, lớp dưới cùng cũng là cuội sông, cát và từ đó cho xây lên, nhưng không có lớp móng đá ong. Chung quanh chân tháp có lớp nền gạch bao quanh từ dưới lên 12 lớp gạch.

Trong khu đường dẫn, các nhà khảo cổ tìm thấy khá nhiều ngói lợp sớm và muộn, dưới móng nền bằng sỏi đầm kỹ có lớp nền gạch. Điều này có thể cho thấy, khu tháp được xây dựng trước, sau đó khi kinh tế phát triển thì được dựng lại với quy mô lớn hơn.

Phế tích Rừng Cấm chưa được xếp hạng trong hạng mục di tích lịch sử văn hóa nhưng với kết quả từ cuộc khai quật, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định đề nghị có hình thức bảo vệ, bảo tồn khu vực này.

 

Theo vnexpress.net


Tin nổi bật Tin nổi bật