|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng tốc nước sạch

Nếu như trước đây, người dân ở các vùng nông thôn thuộc tỉnh Bình Định còn tư tưởng “quay lưng” với nước sạch thì sau khi được ngành chức năng tuyên truyền, vận động; nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tỉnh này ngày càng tăng cao. Trước thực tế này, Bình Định phải dồn sức để đáp ứng nhu cầu của người dân.


Người dân xã vùng cao An Toàn (An Lão-Bình Định) vui vì được dùng nước sạch


Theo ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Bình Định (NSVSMTNT), trong những năm gần đây, Trung tâm đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới cộng đồng nhằm làm thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng nước trong sinh hoạt hằng ngày.

Qua đó, hầu hết người dân ở các vùng nông thôn đã không còn dám sử dụng nước bị nhiễm tạp chất mà đã chuyển sang dùng nước sạch. Ý thức của người dân được nâng cao trông thấy, khi xây dựng các công trình nước sạch họ đã không ngần ngại đóng góp một phần, và khi sử dụng nước sạch họ đã không còn kỳ kèo trong việc thanh toán tiền nước.

Nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng lan rộng, người dân ở các vùng nông thôn chưa có nước sạch luôn yêu cầu xây dựng công trình để họ có cơ hội “chia tay” với nước không hợp vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày.

 

Ông Hồ Đắc Chương chia sẻ: “Khi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch càng được tăng cao thì việc xây dựng công trình luôn là áp lực lớn lên các cấp ngành chức năng ở Bình Định. Với số vốn có hạn, chúng tôi phải xếp thứ tự ưu tiên cho những công trình ở những vùng dân cư đang bức xúc lớn về nước sạch”.

 

Những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã có rất nhiều chủ trương nhằm từng bước giải quyết vấn đề về nước sạch trên địa bàn. Có thể kể: Chủ trương xây dựng công trình cấp nước cho vùng phía Tây huyện Phù Cát gồm các xã: Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp; cấp nước cho các xã phía Tây huyện Phù Mỹ gồm: Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Mỹ Lộc và các xã ven biển huyện này như: Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Đức; cấp nước cho các xã Bình Thuận, Bình Hòa, Tây Bình, Tây An thuộc huyện Tây Sơn.

 

Những địa phương nói trên là những vùng thiếu nước nghiêm trọng. Tuy nhiên, với số vốn xây dựng cần phải có đến vài ba trăm tỷ đồng mới có thể giải quyết hết những bức xúc nói trên, trong khi Bình Định còn có nhiều việc phải làm trước, nên những chủ trương về nước sạch kể trên chưa thể thực hiện được hết.

 

Tuy nhiên, Bình Định cũng đã dồn sức để xây dựng những công trình cấp nước sạch mang tính cấp thiết: Sau 3 năm xây dựng, hiện nay công trình cấp nước sạch tại xã Cát Nhơn (Phù Cát) có công suất 5.600 khối nước/ngày đã hoàn tất, bắt đầu đi vào hoạt động; tổng vốn đầu tư cho công trình là 104 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Vương quốc Bỉ và kinh phí của tỉnh, huyện và người dân đóng góp.

 

Công trình nói trên cung cấp nước cho 84.000 dân nằm trên địa bàn các xã: Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát và các xã: Phước Hòa, Phước Thắng thuộc huyện Tuy Phước. Công trình đã “giải phóng” cho người dân các địa phương nói trên thoát cảnh phải mua nước ngọt, vì đó là những vùng ven biển, mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, phèn rất nặng.

 

Ngoài ra, hiện Trung tâm NS&VSMTNT Bình Định còn đang triển khai Dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã Tây Giang và Tây Thuận thuộc huyện Tây Sơn. Công trình có công suất 1.500 khối/ngày, với tổng vốn đầu tư 46 tỷ đồng; dự kiến năm 2014 công trình sẽ đi vào hoạt động, cấp nước cho 16.000 dân của 2 xã nói trên.

 

“Dự án này là niềm vui lớn của người dân ở những vùng đất trung du nói trên. Đây là những vùng đất luôn gánh chịu hạn hán, vào mùa khô các giếng đều cạn kiệt; thêm vào đó, mạch nước ngầm ở đây bị nhiễm dầu nặng không an toàn cho người sử dụng”, GĐ Trung tâm NSVSMTNT Bình Định, ông Hồ Đắc Chương nói.

 

Sang năm 2014, Bình Định tiếp tục đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại xã Cát Tân (Phù Cát) có công suất 1.500 khối/ngày, với kinh phí 36 tỷ đồng, cấp nước cho 17.000 người dân địa phương. Dự kiến đến năm 2015 công trình sẽ đi vào hoạt động. Công trình sẽ giải quyết bức xúc cho vùng đất bị nhiễm phèn, nhất là những khu vực nằm ven núi luôn chịu cảnh khô hạn, người dân không có nước sinh hoạt.

 

Cũng trong năm 2014, một công trình cấp nước sinh hoạt khác cũng sẽ được khởi động tại Đông Nam huyện Hoài Nhơn, có công suất 4.000 khối/ngày với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng. Công trình này sẽ cấp nước cho 42.000 dân của các xã: Hoài Xuân, Hoài Hương, Hoài Hải và Hoài Mỹ.

 

 "Bên cạnh nỗ lực dành kinh phí để xây dựng những công trình cấp nước mới, các cấp ngành chức năng của Bình Định còn đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng buông lỏng quản lý các công trình cấp nước do các địa phương đang quản lý nhằm đưa hiệu quả khai thác lên mức cao nhất”, ông Hồ Đắc Chương, GĐ Trung tâm NSVSMTNT Bình Định.


Theo nongnghiep.vn



Tin nổi bật Tin nổi bật