Tọa đàm hợp tác kinh tế giữa các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào
Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat chủ trì hội thảo.
Tham dự Tọa đàm có đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư 2 nước, Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam; 7 tỉnh Trung, Nam Lào và hơn 80 doanh nghiệp của 2 nước. Tham dự Tọa đàm về phía tỉnh Bình Định có đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVILL), tính đến nay, Chính phủ Lào đã cấp phép đầu tư cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia đầu tư vào Lào. Các dự án đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, hạ tầng, nông – lâm nghiệp, khai khoáng… Trong đó có nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, góp phần làm tăng trưởng kinh tế Lào, tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động của Lào. Đặc biệt, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào tập trung lớn tại khu vực các tỉnh Trung, Nam Lào với 199 dự án, chiếm 49% tổng số dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,7 triệu USD, chiếm 95% số vốn đăng ký đầu tư của ViệtNamtại Lào.
Về hợp tác thương mại, đến hết tháng 9 năm 2014, kim ngạch ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Lào đạt 995 triệu USD và dự kiến đến hết năm 2014 đạt khoảng 1,4 tỷ USD. Riêng khu vực các tỉnh Trung, Nam Lào, kim ngạch ngạch thương mại 2 chiều đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 48,3% và chiếm 60% tổng kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam – Lào. Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVILL), đặt mục tiêu đến năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam sang Lào phấn đấu đạt 5,8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 11,6%; trong đó khu vực Trung Nam Lào chiếm 95,5%, tăng trưởng 12%. Kim ngạch song phương 2 nước phấn đấu cán đích 2 tỷ USD vào năm 2015, tăng khoảng 42% so với năm 2014. Trong đó khu vực Trung Nam Lao phấn đấu đạt từ 1 - 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 60% và gấp 1,5 lần so với năm 2014.
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp đã nêu ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo hai Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương hai nước để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Somsavat Lengsavat, cho rằng hoạt động hợp tác, phát triển giữa hai nước trong những năm qua có bước phát triển nhanh và ông đánh giá cao một số Tập đoàn của Việt Nam như: Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Viettel đã triển khai một số dự án đầu tư có hiệu quả tại Lào. Phó Thủ tướng Lào cũng đề nghị các bộ, ngành của hai nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; phối hợp kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã biểu dương các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ của Việt Nam đã có nhiều chương trình hợp tác tốt, có nhiều hoạt động hỗ trợ các tỉnh Trung Nam Lào, góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước nên cần nhân rộng mô hình này. Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư vào Lào nhưng quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải rà soát lại năng lực của mình, làm sao đầu tư đưa các tiến bộ kỹ thuật mới, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và giữ gìn an ninh trật tự. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các nhà đầu cần tư tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp phép; đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án đầu tư như đã cam kết, chấp hành nghiêp túc pháp luật của Lào. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tạo thêm việc làm, bảo vệ môi trường, đóng góp thiết thực vào xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan của 2 nước cần rà soát, xây dựng hoàn thiện các hiệp định liên quan đến lĩnh vực đầu tư, thương mại và quan tâm cải cách thủ tục hành chính, có các thể chế và cơ chế thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn lưu ý, trong hợp tác đầu tư, hai nước cần đặc biệt quan tâm thực hiện ý tưởng kết nối hành lang kinh tế đông tây của các tỉnh Trung, Nam Lào với các tỉnh các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam bởi đây là các tỉnh có vị trí chiến lược của hai nước và kết nối này rất quan trọng.
Dịp này, các doanh nghiệp ViệtNamđã trao tặng 140 bộ máy tính cho 7 tỉnh Trung Nam Lào.
Tin và ảnh: Xuân Nguyên