A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 về việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt trong cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh; đồng thời, ban hành Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 29/10/2009 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2009 - 2011, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện. Trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương về công tác PCTN, trong đó có việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Nhờ đó, tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong 10 năm (từ 01/01/2010 đến 31/12/2019), UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 594 chương trình, kế hoạch, văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, Chiến lược PCTN đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về PCTN và Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng; tổ chức 1.034 hội nghị để phổ biến quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN cho gần 147.400 lượt cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và Nhân dân; biên soạn, phát hành 11.500 bản tài liệu phục vụ nghiên cứu quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN… góp phần nâng cao một bước nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm ủng hộ và tham gia của CBCCVC và Nhân dân trong công tác PCTN.

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia PCTN, trong những năm qua, các ngành, địa phương đã tập trung tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.

Bên cạnh đó, các ngành, địa phương chú trọng hoàn thiện chế độ công vụ, công chức và từng bước nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ CBCC. Trong đó, tập trung thực hiện phân công, phân cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống quản lý; hoàn thiện và thực hiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC; đồng thời, thực hiện tốt cơ chế về trách nhiệm giải trình của CBCC, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Việc thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù, chính sách đãi ngộ đối với CBCC, việc xây dựng và thực hiện công khai minh bạch các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong sử dụng tài sản công của CBCCVC cũng được đảm bảo. Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN), hàng năm, có 100% số cơ quan, tổ chức, đơn vị và trên 99% số CBCCVC thuộc đối tượng phải kê khai TSTN tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai TSTN theo quy định của pháp luật về PCTN. Việc kê khai TSTN phục vụ bầu cử, bổ nhiệm CBCCVC được thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về minh bạch TSTN được chú trọng tăng cường thường xuyên, qua đó đã phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót. Đặc biệt, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nào phải tiến hành kiểm tra, xác minh việc kê khai, bị xử lý kỷ luật liên quan đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kê khai, tổng hợp báo cáo kết quả kê khai TSTN theo quy định của pháp luật… Việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của CBCCVC theo quy định của Luật PCTN tiếp tục được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm thực hiện, gắn với việc thực hiện các quy định của Đảng về những việc đảng viên không được làm, Quy định của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo các chỉ thị của Bộ Chính trị. Công tác hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch cũng được quan tâm thực hiện. 

Cùng với đó, các cấp, các ngành, địa phương còn tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Hàng năm, UBND tỉnh và các ngành, địa phương trong tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới. Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng trong việc thực hiện pháp luật về PCTN tại 282 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót; góp phần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thúc  đẩy thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiểm tra, thanh tra.

Đặc biệt, qua công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý theo thẩm quyền 03 vụ/03 người có liên quan đến hành vi tham nhũng với giá trị trên 116 triệu đồng; kết quả đã kiến nghị xử lý hành chính 03 vụ, 03 người, trong đó có 01 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; đã thu hồi toàn bộ số tiền bị thiệt hại về cho Nhà nước và trả lại cho công dân. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chỉ đạo tiến hành 826 cuộc thanh tra hành chính tại 1.777 đơn vị, phát hiện 821 đơn vị có sai phạm; kiến nghị xử lý thu hồi về cho Nhà nước trên 100.100 triệu đồng và 1.846.998 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý bằng các hình thức khác trên 87.780 triệu đồng và 76.187.987 m2 đất các loại; kiến nghị xử lý hành chính đối với 156 tập thể và 550 cá nhân; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 19 vụ, 16 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, liên quan đến hành vi tham nhũng. Thanh tra các sở, ngành thuộc tỉnh đã tiến hành 36.570 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 75.180 lượt tổ chức, cá nhân; phát hiện 29.516 lượt tổ chức, cá nhân có vi phạm, sai phạm; xử lý thu hồi về cho Nhà nước 24.607 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 46.775 triệu đồng; ban hành 26.980 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 64.290 triệu đồng; chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 01 vụ có dấu hiệu tội phạm…

Trong kỳ, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết theo thẩm quyền 771/775 vụ tố cáo của công dân (đạt tỷ lệ 91,74%). Qua giải quyết tố cáo đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 18.547 triệu đồng và 632 m2 đất các loại, trả lại cho công dân 336 triệu đồng và 80 m2 đất ở; kiến nghị xử lý hành chính 23 cá nhân có liên quan; chuyển 11 hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý theo pháp luật 04 vụ, 04 đối tượng có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan điều tra Công an các cấp đã khởi tố, điều tra 23 vụ, 46 đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến hành vi tham nhũng với tổng thiệt hại tài sản trên 83 tỷ đồng. Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kết quả đã đề nghị truy tố 23 vụ, 36 bị can; TAND hai cấp thụ lý, xét xử 15 vụ, 22 bị cáo phạm tội tham nhũng…

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện pháp luật về PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn có những khuyết điểm, hạn chế, hiệu quả nhìn chung chưa cao so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; quá trình tổ chức thực hiện còn có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức và biện pháp thực hiện.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, UBND tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng và chuyển giao phần mềm cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý bản kê khai và thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập bảo đảm đúng theo quy định.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật