A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vừa phòng lũ, vừa chống hạn

Diễn biến thất thường của thời tiết đang gây khó cho ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định. Mùa mưa lũ cận kề, nhiệm vụ của những Cty thủy lợi là phải giữ an toàn cho các công trình.

Cuối năm 2013, cơn lũ lịch sử xảy ra tại Bình Định đã nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà.


Trước dự báo El Nino sẽ gây hạn cho vụ ĐX 2014-2015, Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho biết, Cty đã tính toán việc tích nước hợp lý để vừa phòng lũ, vừa đủ nước cung cấp cho SXNN trong năm sau.

2 nhiệm vụ cấp bách 

“Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, những tháng cuối năm 2014, hiện tượng El Nino có khả năng phát triển và tiếp diễn đến các tháng đầu năm 2015 với cường độ trung bình so với các đợt El Nino đã xuất hiện trong 50 năm gần đây.

Theo đó, khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và trực tiếp ảnh hưởng đến VN ít hơn bình thường, mùa mưa tại các khu vực kết thúc sớm. Lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt so trung bình nhiều năm cùng thời kỳ", ông Nguyễn Văn Phú GĐ Cty nói.

Đề phòng khả năng khô hạn diễn ra diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh trong các tháng mùa khô 2015 là vấn đề đang được Cty này đặt ra ngay trong thời điểm phòng chống lũ. Năm nay, Cty vừa phòng lũ vừa chống hạn theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh do Chính phủ vừa ban hành. Quy trình vận hành liên hồ chứa cho phép tích nước trước mùa lũ (từ 1/11 - 15/12 hằng năm) đối với hồ Núi Một và hồ Thuận Ninh; từ 15/11 - 15/12 đối với hồ Định Bình và Trà Xom 1.

Theo đó, trong tháng 10 này hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh) được tích nước ở cao trình 75 (dung tích gần 60 triệu m3); hồ Núi Một (TX An Nhơn) được tích ở cao trình 44.5 (dung tích 93 triệu m3); hồ Thuận Ninh (Tây Sơn) được tích ở cao trình 65 (dung tích 22,5 triệu m3)…

Sang tháng 11, cao trình mực nước tại các hồ chứa nói trên được phép tích nhỉnh lên. Hồ Định Bình được phép tích với cao trình 80.93 (dung tích 105 triệu m3), hồ Núi Một cao trình 45.2 (dung tích 100 triệu m3); hồ Thuận Ninh cao trình 67 (dung tích 30,7 triệu m3).

Tuy nhiên hiện Cty chỉ giữ cao trình hồ Định Bình ở mức 70, hồ Núi Một 31.5 và hồ Thuận Ninh 60 nhằm vừa bảo đảm an toàn cho công trình, vừa sẵn sàng đón lũ đề phòng mưa lũ lớn bất thường làm giảm ngập hạ du. Trong tháng 10/2014, nếu có thông báo bão lũ thì Cty phải xin phép BCH PCLB tỉnh đưa cao trình mực nước trong các hồ chứa nói trên về mực nước thấp nhất để đón lũ.

Hồ Định Bình phải giảm cao trình mực nước xuống còn 65; hồ Núi Một giảm còn 43.5 và hồ Thuận Ninh còn 63. Nếu có thông báo bão lũ trong tháng 11/2014, hồ Định Bình được tích với cao trình 75, hồ Núi Một 44.5 và hồ Thuận Ninh 65.5. Nhiệm vụ của quy trình vận hành liên hồ chứa ưu tiên số 1 cho đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, sau đó giảm lũ cho hạ du, tiếp đến là cấp nước cho SXNN vào năm sau và cuối cùng mới đến chuyện phát điện.

Quy trình trên được áp dụng cho 6 hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh là: Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xom 1, Định Bình, Núi Một và Thuận Ninh. Căn cứ nhận định xu thế diễn biến của thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nếu dự báo hình thế thời tiết cho thấy không có khả năng gây mưa lũ trên lưu vực, thì Trưởng BCH PCLB tỉnh ra quyết định việc cho phép tích nước các hồ, đưa về mực nước dâng bình thường để tránh thiếu nước SX vào năm sau.

Phân rõ trách nhiệm

Ông Phú cho biết thêm, căn cứ mực nước tại 2 trạm thủy văn Bình Nghi (Tây Sơn), Thạnh Hòa (TX An Nhơn) và mực nước trong các hồ chứa tại thời điểm, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định xả lũ, điều chỉnh lưu lượng nước đi lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn lưu lượng nước đến bằng lệnh cho BCH PCLB tỉnh.

Việc thông báo xả lũ đến người dân vùng hạ du cũng được quan tâm. Khi phải xả lũ, BCH PCLB tỉnh phải có trách nhiệm thông báo đến UBND các huyện, thị xã, thành phố trước khi thực hiện xả lũ ít nhất là 4 tiếng đồng hồ.

Chi cục Thủy lợi, đê điều và PCLB Bình Định sẽ tổ chức diễn tập thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa vào sáng 24/10 tới đây. Có những tình huống giả định được đưa ra và Cty sẽ luyện tập xử lý từng tình huống để khi vận hành không bị lúng túng.

Khi nhận thông báo của BCH PCLB tỉnh, BCH PCLB các huyện, thị xã, TP phải cấp tốc thông báo ngay đến BCH PCLB các xã, phường. Ngay sau đó, BCH PCLB các xã, phường phải nhanh chóng dùng mọi phương tiện như loa truyền thanh, hoặc dùng loa tay đi thông báo đến tận các làng mạc, khu dân cư để người dân nắm được thông tin xả lũ, kịp thời đối phó.

Cty TNHH Khai thác CTTL Bình Định có nhiệm vụ tăng cường công tác quan trắc mực nước, lưu lượng nước. Việc báo cáo cũng được quy định ngặt hơn. Nếu như trước đây, chưa có lũ chỉ báo cáo 1 lần/ngày, trong khi lũ đang xảy ra thì mỗi giờ phải báo cáo 1 lần. Nay, khi chưa có lũ cũng phải báo cáo 4 lần/ngày, lũ đang xảy ra cứ 15 phút phải báo cáo 1 lần.

“Chúng tôi còn có trách nhiệm dự báo lưu lượng nước đến trong các hồ để báo cáo cho cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh. Cty đã thành lập riêng 1 ban PCLB và bố trí 1 phòng riêng biệt để làm việc. Ban tổ chức mỗi ca có 4 cán bộ túc trực 24/24 để nhận thông tin, xử lý thông tin, làm báo cáo, lưu trữ hồ sơ đi và đến. Quyết tâm của chúng tôi là đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình trong mùa mưa bão và tích nước hợp lý để cung cấp cho SXNN trong năm 2015”, ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.

 “Để thực hiện quy trình trên, Sở NN-PTNT Bình Định đang tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ tư vấn để đề xuất Trưởng BCH PCLB tỉnh ban hành các lệnh giảm lũ và vận hành trong những trường hợp đột xuất”, ông Phú nói.

 

Theo nongnghiep.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật